Nhìn lại sản xuất lúa ở huyện Tánh Linh, những năm trước 2005 chủ yếu sử dụng các giống lúa cũ (TH6, IR50404, IR50606…) có năng suất thấp, chất lượng gạo không ngon nên giá cả thấp, tiêu thụ khó khăn, lợi nhuận trên đơn vị diện tích thấp.
Từ năm 2005, cùng với chủ trương chung của tỉnh, huyện đã tích cực quan tâm trong công tác xã hội hóa giống lúa, xây dựng các mô hình trình diễn nhân giống lúa xác nhận, phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa giống tại các địa phương, tạo điều kiện cử học viên của các địa phương tham gia lớp đào tạo kỹ thuật viên sản xuất lúa giống do tỉnh tổ chức. Ngoài ra, còn liên kết với Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long để thực hiện khảo nghiệm, đánh giá tính thích nghi một số giống lúa mới của Viện lúa sản xuất, lai tạo và chọn lọc được một số giống để phát tán, đưa vào sản xuất đại trà. Quá trình thực hiện đã tạo được một số chuyển biến trong sản xuất cây lúa, nông dân bắt đầu sử dụng giống lúa xác nhận để gieo sạ thay cho tập quán tự để giống lại sử dụng cho vụ sau, từ đó năng suất lúa được cải thiện từ bình quân 44 tạ/ha năm 2005 tăng lên 50 tạ/ha năm 2010, đưa sản lượng lương thực năm 2005 là 120.000 tấn lên 153.000 tấn năm 2010.
Tuy nhiên, việc sản xuất không tập trung, chưa tạo được sản phẩm lúa đồng nhất về chất lượng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, nên thu nhập của nông dân vẫn chưa cao. Từ đó đặt ra vấn đề phải khoanh vùng tập trung để sản xuất bằng giống lúa chất lượng cao. Huyện đã hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao, hỗ trợ % giá giống lúa xác nhận chất lượng cao (có nguồn gốc từ Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long). Qua 5 năm thực hiện chương trình (2011-2015), năng suất lúa bình quân trong vùng lúa chất lượng cao tăng từ 2-3 tạ/ha, nhưng nhờ giảm chi phí đầu vào nên thu nhập bình quân tăng từ 5-7 triệu đồng/ha/năm so với ngoài vùng. Tuy nhiên, trên đồng ruộng chưa áp dụng đồng bộ về quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, chưa đồng nhất về chủng loại giống nên thời gian thu hoạch không đồng bộ, sản phẩm vẫn không tập trung để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của Doanh nghiệp.
Để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của Doanh nghiệp về số lượng và chất lượng. Vì vậy, giai đoạn 2017 – 2020, huyện tiếp tục định hướng xây dựng cánh đồng lớn gắn với liên kết Doanh nghiệp sản xuất – tiêu thụ trên diện tích quy hoạch vùng lúa chất lượng cao (đến năm 2020 là 1.150 ha và đến năm 2025 là trên toàn bộ vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha), trong đó huyện đã sử dụng kinh phí từ Nghị định 35/2015/NĐ-CP hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh để cải tạo đồng ruộng, tiếp cận và chuyển giao mô hình sản xuất tiên tiến theo phương pháp SRI …nên sản phẩm từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của Doanh nghiệp, thu nhập của người trồng lúa từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nông dân lạm dụng phân bón hóa học, lấy rơm ra ngoài đồng ruộng làm cho đất ngày càng bạc màu và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép làm tồn dư hóa chất trong sản phẩm, không đảm bảo chất lượng làm ảnh hưởng đến thu nhập.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ theo hướng an toàn, nâng cao thu nhập và từng bước gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” để tiêu thụ ra thị trường thì cần phải đi vào sản xuất theo hướng hữu cơ. Năm 2017, huyện đã hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, phân bón hữu cơ thực hiện thí điểm tại diện tích của HTX Đức Bình, thử mẫu đất, mẫu nước và mẫu sản phẩm, hỗ trợ cấp Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” để tiêu thụ. Đến cuối năm 2019, diện tích thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ trên 90 ha, diện tích gieo trồng gần 130 ha, gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” để tiêu thụ gần 200 tấn gạo thương phẩm của 2 đơn vị, diện tích liên kết với Doanh nghiệp để sản xuất - tiêu thụ khoảng 36 ha tại Đức Phú. Tuy nhiên, sản phẩm gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” chủ yếu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh (nội địa) nên nhu cầu không nhiều, quy mô sản xuất – tiêu thụ nhỏ lẻ, khó có khả năng phát triển mở rộng thị trường, diện tích liên kết với Doanh nghiệp ngoài huyện chưa thật sự bền vững. Nguyên nhân chủ yếu là diện tích đất đai còn manh mún, người dân chưa quen với hướng sản xuất mới (sản xuất hữu cơ) vì năng suất không cao, hoạt động của các HTX dịch vụ chưa phát triển, chưa thật sự là cầu nối trung gian trong việc liên kết giữa Doanh nghiệp và nông dân; huyện chưa ban hành được quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ để áp dụng đồng bộ trong sản xuất.
Định hướng phát triển sản xuất lúa trong thời gian tới, cần thiết phải ban hành quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với sử dụng nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” để công bố áp dụng trên địa bàn huyện; Củng cố, phát triển các HTX DVNN hiện có tại địa phương; Xây dựng vùng sản xuất lúa tập trung theo hướng hữu cơ trên vùng lúa chất lượng cao, tiếp tục hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh để cải tạo đồng ruộng; Duy trì các mối liên kết với các đơn vị, Doanh nghiệp hiện có và tích cực mời gọi Doanh nghiệp liên kết sản xuất, ưu tiên Doanh nghiệp sản xuất – tiêu thụ theo hướng hữu cơ.