Triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong huyện Tánh Linh đã vào cuộc mạnh mẽ, tâm huyết hơn, do đó, nhiều nơi đã có tư duy, cách làm mới, huy động nguồn lực lớn và đa dạng cho xây dựng NTM. Đặc biệt, vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện được khẳng định trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, nhất là trong việc luân chuyển, bố trí cán bộ đủ phẩm chất, năng lực để chỉ đạo xây dựng NTM với các nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân (như phát triển sản xuất, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự,…)
Trong công tác tuyên truyền về xây dựng NTM đã được các xã chú trọng với những đổi mới về phương pháp, cách thức nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ và các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Các cấp chính quyền đã phối hợp với MTTQ các cấp vận động nhân dân hăng hái tham gia thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp ở cơ sở; tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách, cách làm hay, mô hình hiệu quả từ đó đã có sức lan tỏa tạo thành phong trào rộng khắp trong nhân dân, góp phần thay đổi nhận thức và nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình đối với cộng đồng trong việc thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Trong giai đoạn 2010 - 2015, nhận thức được tầm quan trọng của công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, cấp ủy các cấp đã chủ động ban hành nghị quyết, xây dựng chương trình hành động thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM đã được thành lập ở cả 02 cấp (huyện, xã). Huyện đã chủ động chọn xã Nghị Đức để chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm và sau đó nhân rộng ra 12 xã còn lại; chủ động lồng ghép các nội dung xây dựng NTM với việc thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Giai đoạn 2015 đến tháng 6/2019 tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách phát triển giao thông nông thôn theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, triển khai thực hiện các mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp như: Chương trình sản xuất lúa chất lượng cao theo quy mô cánh đồng lớn ở các xã Đức Phú, Bắc Ruộng; Chương trình rau an toàn ở xã Đồng Kho, Huy Khiêm; Chương trình phát triển cá Thát Lát ở xã Gia An; Gạo Đức Lan ở xã Đức Bình …. đồng thời hỗ trợ cho việc tổ chức sản xuất và sinh hoạt cho người dân ở nông thôn.
Qua 10 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua Chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn phát triển nhanh, nổi bật nhất là hệ thống giao thông, huyện đã xây dựng 230km đường giao thông nông thôn bằng bê tông, tổng giá trị gần 240 tỷ đồng, xây dựng 7 cầu dân sinh trong đó nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng, xây dựng và sữa chữa trên 100km đường giao thông nội đồng để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Về cơ sở trường học huyện dã có 07/17 trường Mầm non, 19/30 trường Tiểu học, 07/18 trường THCS có cơ sở đạt chuẩn quốc gia; có 10/13 xã xây dựng Nhà văn hóa, 66/66 thôn, bản có nhà văn hóa gắn liền với trụ sở thôn, 35 sân thể thao. Hàng năm tỷ lệ hộ đăng ký gia đình văn hóa đạt trên 95% và số hộ đạt gia đình văn hóa tăng theo hàng năm (năm 2011 đạt tỷ lệ là 87% đến cuối năm 2018 đạt 93%) đã góp phần làm cho đời sống văn hóa, tinh thần được nâng cao. Điện lưới quốc gia đã đã đến các thôn, bản trong huyện và hiện nay tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 100%; Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh là 94,46%; Tổ chức đào tạo nghề cho 6.734 lao động nông thôn; Mạng lưới y tế cơ sở, trang thiết bị y tế được ưu tiên đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho người dân nông thôn. Tỷ lệ người dân tham gia đóng Bảo hiểm y tế lũy kế đến tháng 6/2019 đạt 87,6%.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng NTM phù hợp, sát với thực tế nên đã tạo được sự chuyển biến trong phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn; đời sống vật chất, tinh thần cải thiện, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vũng; bộ mặt nông thôn ở tất cả các xã có nhiều đổi mới tích cực, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn từ đó số hộ nghèo cuối năm 2018 giảm còn 5,8% (năm 2011 số hộ nghèo là 10,57%). Lũy kế số tiêu chí trên toàn huyện đến tháng 6/2019 là 184 tiêu chí, bình quân 14,15 tiêu chí/xã, tăng 147 tiêu chí so với năm 2011, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Đến nay đã có 7/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 78% kế hoạch đề ra, dự kiến đến cuối năm 2020 huyện phấn đấu có 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch theo nghị quyết đề ra.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong huyện, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, các xã nông thôn ở huyện đã có những chuyển biến tích cực, hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn của khu vực ngày càng hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, trong đó hệ thống giao thông nông thôn cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối thông suốt từ đường thôn, xã đến các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ; hệ thống trường học các cấp được đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, là nền tảng quan trọng để chất lượng giáo dục của các địa phương ngày càng được nâng cao; hệ thống các cơ sở y tế ngày càng được cải thiện đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân; kinh tế nông thôn đã phát triển đa dạng, các vùng sản xuất chuyên canh ngày càng hình thành nhiều tạo lợi nhuận ngày càng lớn cho người dân; đời sống vật chất của người dân ngày càng cao, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng đa dạng, trong đó, các giá trị văn hóa truyền thống không ngừng được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng quá trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phụ trong giai đoạn tới, đó là việc ô nhiễm môi trường, một số bản sắc và các giá trị truyền thống nhất là truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số bị biến dạng. Tình hình an ninh trật tự xã hội chưa thực sự bền vững; thu nhập bình quân của người dân nông thôn mặc dù hàng năm vẫn tăng, nhưng chậm; chất lượng cuộc sống của người dân có tăng lên, nhưng chưa có sự đột phá. Vẫn còn xã nặng về hình thức, mới quan tâm đến việc đạt được các mục tiêu, chưa quan tâm đến chất lượng của việc đạt chuẩn; nhiều tiêu chí, kết quả thực hiện còn kém bền vững (giảm nghèo, môi trường, an ninh trật tự,…).
Trong thời gian tới, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức vươn lên của người dân nên đã khơi dậy được tinh thần phát huy phát huy những kết quả đã đạt được, đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua để xây dựng NTM; tiếp tục hướng tới nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, nhất là chú trọng xây dựng các mo hình liên kết sản xuất; bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống; nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường để xây dựng nông thôn mới bền vững. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức quản lý, điều hành, quyết tâm phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành các xã đạt chuẩn NTM theo kế hoạch đề ra.