TIN MỚI NHẤT

Tánh Linh 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về công tác dân tộc.

Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về công tác dân tộc, các chính sách dân tộc luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở, đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu (ĐBDTTS) số nâng cao trình độ học vấn, tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn, tạo việc làm, vì vậy nhiều hộ gia đình đã có mức sống về vật chất được cải thiện, đời sống về tinh thần được nâng lên; ĐBDTTS yên tâm trong cuộc sống, ý thức về quyền và nghĩa vụ của người dân.

     Nổi bật rõ nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư, xây dựng, từng bước hoàn thiện, trên 80% số thôn, bản, khu phố có đường giao thông đạt chuẩn; trên 95% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; 100% thôn, bản, khu phố có nhà văn hóa; trên 80% thôn, bản, khu phố sử dụng nước hợp vệ sinh; hệ thống trường lớp được kiên cố hóa. Giáo dục vùng ĐBDTTS tiếp tục được củng cố và phát triển ở tất cả các cấp học, tình hình dạy và học từng bước đi vào nề nếp, có chất lượng. Hệ thống trường lớp, trang thiết bị phục vụ học tập, giảng dạy được đầu tư nâng cấp (hiện nay toàn huyện có 37 trường có con em ĐBDTTS học tập); đội ngũ giáo viên được chuẩn hoá, chất lượng dạy và học được nâng lên, tỷ lệ học sinh các cấp đến trường ngày càng tăng, tỷ lệ bỏ học giảm. Xã thuần ĐBDTTS đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và chống mù chữ và con em ĐBDTTS vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp ngày càng nhiều. Các hoạt động văn nghệ thể thao, lễ hội truyền thống được duy trì tổ chức thường xuyên, phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai rộng khắp. Công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, đến nay có 08/08 xã, thị trấn có ĐBDTTS đều có Trạm y tế, trong đó có 05 trạm được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất (La Ngâu, Măng Tố, Lạc Tánh, Gia Huynh, Suối Kiết). Tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng đủ 6 bệnh truyền nhiễm đạt trên 95%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới 10%, tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm 2 mũi vắc xin phòng uốn ván đạt trên 90%; tỷ lệ phụ nữ sinh tại Trạm y tế tăng.

    UBND huyện đã tổ chức cấp đất sản xuất theo Nghị quyết 04-NQ/TU được 1.027,7 ha/878 hộ, bình quân 1,2 ha/hộ. Hiện nay ĐBDTTS sản xuất ổn định trên diện tích 2.698ha, hầu hết số diện tích được trồng cao su, tiêu và cây hoa màu khác đã tạo việc làm cho bà con và nguồn thu ổn định cho trên 400 hộ ĐBDTTS. Thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện được 14.307,7 ha/371 hộ, bình quân mỗi hộ nhận khoán 38,5 ha. Tiền công nhận khoán quản lý bảo vệ rừng (400.000 đồng/ha/01 năm) cũng đã góp phần mang lại nguồn thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống cho các hộ nhận khoán.

    Nhìn chung qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về công tác dân tộc, ĐBDTTS huyện nhà rất phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp, từ đó đã tích cực tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế gia đình, ổn định được cuộc sống góp phần vào việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện nhà.

    Tuy nhiên, việc thực hiện công tác dân tộc cũng còn gặp nhiều hạn chế, cụ thể trong công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao; nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền vận động ĐBDTTS có lúc, có nơi chưa phù hợp với trình độ nhận thức, đặc điểm tâm lý của từng dân tộc. Công tác nắm bắt tâm tư và nguyện vọng của nhân dân để động viên giúp đỡ nhân dân tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn chậm, thiếu chủ động đề xuất các giải pháp để nâng cao đời sống, văn hóa tinh thần cho ĐBDTTS ở huyện nhà.

    Để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về công tác dân tộc, huyện Tánh Linh tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc, đảm bảo các công trình nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, chợ gắn với sắp xếp, ổn định dân cư thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhanh và bền vững vùng dân tộc. Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo môi trường thuận lợi để thu hút mọi nguồn lực vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm giải quyết việc làm cho lao động người ĐBDTTS. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề cho thanh niên người ĐBDTTS. Quan tâm đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả và các điển hình tiên tiến trong các vùng ĐBDTTS. Phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng thôn, bản, khu phố trong việc vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực phát triển sản xuất, xây dựng thôn, bản, khu phố ngày càng giàu đẹp, văn minh.


Các tin khác

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

CÔNG TÁC KIỂM TRA - GIÁM SÁT

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH - CHUYỂN ĐỔI SỐ

Image

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NĂM 2023, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024

Ngày 25/1, UBND huyện Tánh Linh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Giáp Hà Bắc - Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính chủ trì Hội nghị; cùng dự còn có đồng chí Trần Vũ Linh Phó bí thư huyện ủy thường trực huyện uỷ- CT HĐND huyện.