Ngày ấy, chỉ cần nghe thôn, bản, làng, khu phố... mời gọi là đông đảo mọi người nhiệt tình tham gia hưởng ứng.
Ngày ấy, chưa bao giờ ta lại được “mục sở thị” về đủ tầng đủ giới về những người xung quanh mình đến vậy, từ trẻ em đến các cụ cao niên, từ những người khuyết tật đến những nam thanh nữ tú, từ đàn ông đến đàn bà, từ người có hoàn cảnh khó khăn đến “đại gia” danh tiếng, từ người không biết chữ đến các bậc thầy đầy chữ, từ dân tộc kinh đến dân tộc thiểu số, v.v...
Ngày ấy, ta “chợt nhận ra một cách có hệ thống” rằng mình đang sinh sống ở đâu, với ai, như thế nào, đối nhân xử thế với nhau ra sao cho phải lễ...
Ngày ấy, ta nhìn mọi người thấy gần gũi hơn, thân thiện và ấm áp “tình làng nghĩa xóm” hơn.
Ngày ấy, tấm lòng ta biết lắng nghe, chia sẻ, cầu thị, giao hòa trực tiếp và toàn diện hơn với mọi người xung quanh, quê hương, đất nước...
Ngày ấy, nhiều việc làm hay, nghĩa cử cao đẹp được nhân lên, lan tỏa, cho và nhận một cách vô tư hơn, tự giác và tự nguyện hơn.
Ngày ấy, hầu như ai ai cũng bình tâm thấu tỏ hơn về quy luật nhân sinh - vũ trụ vận hành tuần hoàn giữa Nhân và Quả, Quân bình và Phản phục, Bù và Trừ, Thượng tôn pháp luật và đạo lý ăn ở trên đời.
Ngày ấy, nếu chúng ta thử suy tư triết lý sâu sắc thì sẽ hiểu được nền tảng cốt lõi nhân sinh quan rằng: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất của con người là tổng hòa các quan hệ xã hội”.
Ngày ấy, bắt nguồn từ dòng chảy lịch sử văn hóa truyền thống và hiện đại của dân tộc trước vòng xoáy toàn cầu hóa, hòa nhập mà không hòa tan...
Ngày ấy, không đẹp như ta mong ước, vẫn còn nhiều bất cập cần phải tiếp tục hoàn thiện hơn, và đừng kỳ vọng quá nhiều, bởi đó là... Ngày hội Đại đoàn kết cho tôi, cho bạn, cho chúng ta, cho cộng đồng và cho toàn dân tộc.
Ngày ấy còn hơn thế nữa... và.... không chỉ là một ngày!
Ngày ấy, gợi mở cho ta thông suốt muôn đời một truyền thống quý báu của dân tộc ta:
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công” (Chủ tịch Hồ Chí Minh)