Qua thực tiễn huyện Tánh Linh cho thấy, trong những năm qua, công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện đã có những tiến bộ đáng kể, trong đó quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã thực sự là một công cụ quản lý, sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả, tăng nguồn thu từ đất, góp phần quan trọng cho việc chi cho đầu tư phát triển và đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, bất cập làm cản trở nhất định cho sự thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hoặc triển khai thực hiện các dự án mới của người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, Tánh Linh có diện tích đất tự nhiên 119.875,57 ha. Trên cơ sở quy định của pháp luật, cơ cấu kinh tế (phấn đấu đến năm 2025, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng: Nông - Lâm - Thủy sản chiếm 42%; Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp và Xây dựng chiếm 34%; Thương mại – Dịch vụ chiếm 24%; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 lần so với năm 2020) và yêu cầu thực tiễn phát triển của địa phương trong giai đoạn mới, huyện đã xác định cơ cấu quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vẫn là đất nông nghiệp chiếm 90,96%, với diện tích 109.041,91ha, kế đến là đất phi nông nghiệp 10.669,84 ha (chiếm 8,9%) và quỹ đất chưa sử dụng còn 163,82 ha (chiếm 0,14%).
Nhờ mạng lưới giao thông ngày càng phát triển đồng bộ, cùng sự ứng dụng nhanh chóng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để “rút ngắn” thời gian và khoảng cách giữa các vùng miền, thúc đẩy thương mại điện tử và logistic... nên Tánh Linh ngày càng “xích lại gần hơn” với các trung tâm kinh tế lớn. Thế nên, trong quy hoạch sử dụng đất ở Tánh Linh có tính đến yếu tố chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát huy địa hình đồi núi trùng điệp, đồng bằng sông La Ngà khá rộng lớn và trù phú, với các hồ nước ngọt tự nhiên và hồ thuỷ lợi, cùng hệ thống thác nước đa dạng, phong phú; truyền thống lịch sử anh hùng, có các căn cứ cách mạng và di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia, cấp tỉnh; có các điểm tín ngưỡng – tôn giáo ảnh hưởng ra ngoài tỉnh; đặc biệt là nguồn nhân lực đa văn hoá, nhiều dân tộc anh em đến từ các vùng miền trong cả nước cùng đoàn kết, năng động, sáng tạo, v.v… Đó là tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp bền vững, du lịch sinh thái – nghĩ dưỡng – khám phá, du lịch truyền thống – về nguồn, du lịch văn hoá - tâm linh; hình thành các khu – cụm công nghiệp ở khu vực giáp ranh với Hàm Tân, Đức Linh; phát triển thương mại - dịch vụ ở thị trấn Lạc Tánh, các trung tâm cụm xã, vùng giáp ranh với các huyện bạn…
Do đó, trong giai đoạn mới, Tánh Linh quyết tâm tạo chuyển biến tích cực về quy hoạch cơ cấu sử dụng đất, để làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá, làm tăng giá trị và hiệu quả sử dụng đất, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh ở các xã, thị trấn và xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Theo đó, đến năm 2030, huyện quy hoạch sử dụng đất trồng lúa còn 11.056 ha, giảm trên 781 ha; đất trồng cây hàng năm còn 1.217 ha, giảm trên 133 ha; đất trồng cây lâu năm có hơn 29.800 ha, giảm gần 2.840 ha; đất rừng còn 66.215 ha, giảm trên 500 ha; đất nuôi trồng thuỷ sản có hơn 128 ha, tăng 41 ha; đất nông nghiệp khác có trên 611 ha, tăng trên 611 ha; đất khu công nghiệp có 230 ha, tăng 230 ha; đất cụm công nghiệp có hơn 576 ha, tăng gần 500 ha; đất thương mại – dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp có hơn 400 ha, tăng trên 350 ha; đất sản xuất vật liệu xây dựng và đồ gốm có trên 925 ha, tăng hơn 848 ha; đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, tỉnh, huyện có trên 4.250 ha, tăng hơn 1.226 ha; đất giao thông, thuỷ lợi có trên 3.292 ha, tăng hơn 1.100 ha; đất ở nông thôn có trên 988 ha, tăng hơn 380 ha; đất ở đô thị có gần 200 ha, tăng hơn 114 ha, v.v...
Sự tăng, giảm về cơ cấu quỹ đất nêu trên được căn cứ thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thông qua quy hoạch sử dụng đất, huyện đã phân định rõ sự phát triển vùng, ngành, lĩnh vực và phù hợp với các định hướng lớn của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhất là 3 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX (2020 – 2025).
Theo đó, khu vực Bắc sông chú trọng quy hoạch sử dụng đất cho phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường thiên nhiên cho phát triển bền vững; thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng – khám phá ở Đức Phú (Thác Trượt, thác Đầu Trâu, thác Mưa Bay), La Ngâu (Hồ Đa Mi, thác Mai, Hồ Tiên, trác Đaguri), Đồng Kho (Núi Long); du lịch truyền thống – về nguồn ở Bắc Ruộng (Di tích lịch sử cấp quốc gia Chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng), La Ngâu (căn cứ địa Nam Sơn); du lịch văn hoá - tâm linh ở Đồng Kho; hình thành các cụm công nghiệp, chế biến nông sản và thương mại – dịch vụ ở Đức Phú, Nghị Đức, Măng Tố, Bắc Ruộng, Đồng Kho... Phấn đấu xây dựng Đồng Kho cơ bản đạt đô thị loại V vào năm 2030.
Khu vực Nam sông quan tâm đúng mức đến quy quy hoạch sử dụng đất cho phát triển nông nghiệp an toàn, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng – khám phá ở Đức Thuận (Thác Bà), Gia An (Biển Lạc); du lịch truyền thống – về nguồn ở Lạc Tánh (Đồi Lồ Ồ), Đức Thuận (căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy Bình Tuy ở khu vực Thác Bà); du lịch văn hoá - tâm linh ở Lạc Tánh (gắn với di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh Đình Lạc Tánh và Đình khu phố Chăm); phát triển các cụm công nghiệp ở Suối Kiết, Gia An, Lạc Tánh; phấn đấu hình thành khu công nghiệp, logistic và quản lý chuỗi cung ứng phù hợp ở Gia Huynh, Suối Kiết; tập trung xây dựng thị trấn Lạc Tánh đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2030, gắn với phát triển thương mại – dịch vụ theo hướng hiện đại.
Về quy hoạch ngành, lĩnh vực: Đất trồng trọt thông thường (cây lúa, cây hằng năm, cây lâu năm) tuy giảm 3.754 ha song vẫn đảm bảo an ninh lương thực và cung ứng một lượng đáng kể nông sản cho các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Bù lại một phần, đất nông nghiệp khác tăng 611 ha, phục vụ cho nhu cầu phát triển mới của sản xuất nông nghiệp. Đất rừng tuy giảm trên 500 ha nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ độ che phủ rừng khoảng 56-57% so với tổng diện tích đất tự nhiên, gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp hợp lý. Đặc biệt, lần đầu tiên quy hoạch đất khu công nghiệp 230 ha; đất cụm công nghiệp tăng thêm gần 500 ha; đất thương mại – dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp tăng thêm 350 ha; đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, tỉnh, huyện tăng thêm 1.226 ha; đất giao thông, thuỷ lợi tăng thêm 1.100 ha; đất ở nông thôn tăng thêm 380 ha; đất ở đô thị tăng thêm 114 ha, v.v...
Theo dự báo, trong giai đoạn mới, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tiếp tục làm thay đổi sâu sắc đời sống vật chất và tinh thần của con người, trong đó có sự thay đổi về hình thức tổ chức sản xuất, song đất đai vẫn là một tài nguyên hàng đầu, tư liệu sản xuất và hàng hoá đặc biệt, đóng vai trò nền tảng cho mọi hoạt động, nên yêu cầu quy hoạch sử dụng đất phải đảm bảo rõ tính định hướng phát triển, công cụ quản lý, phân bổ nguồn tài nguyên hữu hạn cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh... Vì vậy, trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất, các cấp, các ngành ở Tánh Linh cần phải:
Thứ nhất, Thực hiện nghiêm túc việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định, làm căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyên mục đích sử dụng đất; định hướng cho các nhà đầu tư có hiệu quả vào đất đai.
Thứ hai, Hằng năm, bố trí các nguồn lực hợp lý để đảm bảo lộ trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tiết kiệm, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt cũng như lâu dài của địa phương, tổ chức, cá nhân sử dụng đất.
Thứ ba, Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án thuộc công trình do nhà nước đầu tư. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân phối hợp hiệp thương, bàn giao đất cho các nhà đầu tư đủ điều kiện để thực hiện các dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, phát huy hiệu quả sử dụng đất.
Thứ tư, Định kỳ rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch quy hoạch sử dụng đất theo hướng hợp pháp, hợp quy luật phát triển và hợp với thực tiễn của địa phương để phân bổ quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh hằng năm, 5 năm, lâu dài.
Thứ năm, Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện có hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm.
Nói tóm tại, việc hoàn thành công tác quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Tánh Linh đã có công cụ nền tảng để điều hành, quản lý sử dụng đất cho phát triển theo mục tiêu, chiến lược đã xác định đúng hướng, có tính đến nhu cầu hằng năm, 5 năm, 10 năm và gìn giữ cho các thế hệ mai sau. Quy hoạch đó phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với giữ gìn truyền thống, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Quy hoạch đó phù hợp với tiến trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và xu thế phát triển hài hòa, bền vững; khát vọng an khang, thịnh vượng, hạnh phúc của người dân.
Mừng xuân mới, quy hoạch mới, vận hội phát triển mới./.