TIN MỚI NHẤT

TÁNH LINH: PHẤN ĐẤU XÂY DỰNG HUYỆN ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI

  • HVK
  • /
  • 14.9.2021 - 14:8

Qua 10 năm (2011 – 2020) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Tánh Linh đã đạt 5/9 tiêu chí huyện nông thôn mới (Tiêu chí 3- Thủy lợi, Tiêu chí 4- Điện, Tiêu chí 6 - Sản xuất, Tiêu chí 8 - An ninh trật tự xã hội, Tiêu chí 9- Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới đạt yêu cầu) và có 7/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Nghị Đức, Đức Phú, Bắc Ruộng, Huy Khiêm, Đồng Kho, Đức Bình, Đức Thuận). Qua đó, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Mặc dù vậy, đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hạ tầng khu dân cư, giao thông, thủy lợi, nước sạch và môi trường ở một số nơi chưa đảm bảo; an ninh trật tự có mặt còn tiềm ẩn phức tạp...

Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn của việc xây dựng nông thôn mới đối với sự phát triển chung ở địa phương trong thời gian tới, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tánh Linh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đã quyết nghị 1 trong 2 nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là Xây dựng huyện Tánh Linh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Đó là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, vai trò nòng cốt của các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng trong huyện; phát huy truyền thống đoàn kết, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, làm có hiệu quả của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện; tạo thành chương trình hành động cách mạng rộng lớn, sâu sắc, làm chuyển biến căn bản, toàn diện bộ mặt nông thôn mới, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Theo đó, đến năm 2025, Tánh Linh phấn đấu đạt chuẩn 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, với lộ trình cụ thể như sau: Năm 2021 đạt chuẩn Tiêu chí 1 (Quy hoạch); năm 2022 đạt chuẩn Tiêu chí 5 (Y tế, Văn hóa, Giáo dục); năm 2023 đạt chuẩn Tiêu chí 2 (Giao thông); năm 2024 đạt chuẩn Tiêu chí 7 (Môi trường). Hằng năm, tiếp tục giữ vững, củng cố và tăng cường các tiêu chí đã đạt chuẩn (tiêu chí 3,4,6,8,9). Đồng thời, phấn đấu có 12/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó: xây dựng 5 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới, cụ thể là: Gia An (năm 2021), Suối Kiết (năm 2022), Măng Tố (năm 2023), Gia Huynh (năm 2024) và La Ngâu (năm 2025). Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và từng bước nâng cao các tiêu chí của 7 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu có 2-3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Song song với xây dựng nông thôn mới, Tánh Linh cũng quan tâm đúng mức đến định hướng xây dựng thị trấn Lạc Tánh xứng tầm của một trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa – xã hội trên địa bàn huyện, cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại V trong năm 2021, từng bước phát triển kết cấu hạ tầng và cảnh quan đô thị theo tiêu chí đô thị loại IV trong những năm tiếp theo.

Quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh cần phải đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, đo thị, xây dựng các công trình công cộng, nhất là lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường theo chủ trương của tỉnh và Chính phủ. Nâng cao chất lượng và tỷ lệ trường chuẩn quốc gia; vận động nhân dân tự nguyện tham gia các hình thức bảo hiểm y tế là nhiệm vụ quan trọng trong đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cho cả cộng đồng. Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển toàn diện giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội. Phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình và các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Tập trung xử lý tất cả các loại rác thải, nước thải theo đúng quy định.

Nguồn lực từ đâu? Thứ nhất, từ sự quan tâm hỗ trợ đầu tư một phần nhất định của Trung ương, của tỉnh, vốn lồng ghép các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn huyện. Thứ hai, phát huy vai trò nội lực trong cộng đồng dân cư; tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có để thực hiện các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới có hiệu quả theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Thứ ba, huy động tổng hợp các nguồn lực “xã hội hóa” nhằm phục vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và đô thị văn minh, nhất là nguồn lực xã hội hóa để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các huyện, vùng lận cận. Thông qua đó, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp - công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề ở khu vực nông thôn và ngành dịch vụ. Quá trình huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đảm bảo không có nợ đọng về xây dựng cơ bản.

Do đó, Huyện ủy Tánh Linh yêu cầu phải phát huy tối ưu vai trò của cả hệ thống chính trị và người dân trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở theo hướng đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế ''một cửa'', ''một cửa liên thông''. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và cấp huyện có phẩm chất đạo đức tốt; đủ chuẩn; có năng lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Xác định rõ trách nhiệm, quyền lợi của người dân khi tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra – giám sát và dân thụ hưởng”.

Tánh Linh đang hội tụ “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho phát triển, trong đó nhân tố con người (toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện nhà) đóng vai trò chủ thể quyết định. Chúng ta vững tin tiến tới theo nhịp bước khẩn trương cùng non sông đất nước, hoàn cầu.

P/s: Nội dung bài viết dựa theo Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 13/7/2021 của Huyện ủy Tánh Linh về xây dựng huyện Tánh Linh đạt chuẩn nông thôn mới và giữ vững chuẩn văn minh đô thị ở thị trấn Lạc Tánh, giai đoạn 2021-2025.


Các tin khác