Báo cáo chính trị trình Đại hội được các tổ chức Đảng chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, khoa học, phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội, lấy ý kiến góp ý sâu rộng của cán bộ, đảng viên và đại diện các tầng lớp nhân dân thông qua các cơ quan, đơn vị, tổ chức Mặt trận, đoàn thể, hội quần chúng, thông tin đại chúng, website của tổ chức Đảng...
Điểm đáng ghi nhận là hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ lớn ở cấp huyện, xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị đều cơ bản đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra trong nhiệm kỳ 2015 – 2020. Trong đó, có 7/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Lạc Tánh đạt chuẩn văn minh đô thị và hoàn thành 5/9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới cấp huyện.
Điểm nổi bật trong Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp là việc xác định đúng đắn, có tính khả thi cao về các nhóm chỉ tiêu chủ yếu, các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá cần phải tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, từ cấp cơ sở đến cấp huyện, tạo thành những định hướng lớn cho sự phát triển mới.
Điểm mới trong kỳ Đại hội lần này là có sự chuẩn bị trước về Chương trình hành động theo dự thảo Nghị quyết trình Đại hội, để các đại biểu tham dự Đại hội thảo luận, cho ý kiến, rồi giao cho cấp ủy khóa mới tiếp thu, hoàn chỉnh để ban hành, triển khai thực hiện ngay sau Đại hội.
Điểm phấn khởi là niềm tin của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hướng về Đại hội Đảng các cấp, với sự kỳ vọng cao độ và khí thế thi đua sôi nổi. Theo thống kế sơ bộ, toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng trong huyện đã đăng ký và hoàn thành tốt đẹp 76 công trình, phần việc thiết thực phục vụ dân sinh - kinh tế, với tổng trị giá trên 30 tỷ đồng, để chào mừng Đại hội Đảng các cấp trong huyện.
Điểm then chốt của Đại hội Đảng các cấp là đã bầu ra cấp ủy khóa mới gồm những người đủ tiêu chuẩn quy định, đảm bảo cho sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của các cấp ủy, tổ chức Đảng trên các lĩnh vực ở địa phương, đơn vị. Đã có 232 đồng chí trúng cử vào cấp ủy ở 30/30 cơ sở Đảng, trong tổng số Danh sách ứng cử gồm 272 đồng chí, số dư bình quân 12%. Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 39 đồng chí; bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV gồm 23 đồng chí (và 2 dự khuyết); bầu Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 11 đồng chí; bầu đồng chí Nguyễn Văn Quang giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy; bầu đồng chí Phạm Sơn và đồng chí Giáp Hà Bắc làm Phó Bí thư Huyện ủy. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Bí thư Huyện ủy, được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Hướng tới những định hướng lớn cho sự phát triển mới
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đã xác định rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá cần tập trung thực hiện, nhằm tạo động lực thúc đẩy, lan tỏa sự phát triển, tiến bộ trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
* Nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Mục tiêu cụ thể: Một là, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức cách mạng; với đội ngũ cán bộ giàu tâm huyết, ngang tầm trước yêu cầu nhiệm vụ mới. Hai là, xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao tính chuyên nghiệp và tinh thần phục vụ Nhân dân; Ba là, thường xuyên chăm lo thực hiện tốt công tác dân vận, nhất là "dân vận khéo", góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương vững mạnh.
* Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai: Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới và giữ vững chuẩn văn minh đô thị ở thị trấn Lạc Tánh, ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
* Nhiệm vụ trọng tâm thứ ba: Tăng cường quốc phòng – an ninh, chủ động trong mọi tình huống. Đây cũng chính là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên, nhằm tạo dựng môi trường xã hội ổn định, an toàn cho mọi người dân sinh sống, học tập, lao động, sáng tạo... Thông qua đó, bảo vệ Nhà nước pháp quyền và thành quả phát triển ở địa phương, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.
Những nhiệm vụ trọng tâm trên vừa có tính cụ thể, vừa mang tính bao quát và thống nhất đồng bộ với nhau. Đó vừa là tiền đề vừa là kết quả của nhau, song hành với việc triển khai thực hiện hai khâu đột phá sau đây.
* Khâu đột phá thứ nhất: Mở rộng và nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có tiềm năng và lợi thế của huyện, gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất phù hợp. Khâu đột phá này nhằm giái phóng “điểm nghẽn” trong vòng luẩn quẩn “sản xuất nhỏ – thu nhập thấp – tích lũy ít – đầu tư ít – sản xuất nhỏ...”, để tiến tới “sản xuất lớn – đầu tư đúng mức – thu nhập cao – tích lũy nhiều – đầu tư nhiều – sản xuất phát triển...”.
Tuy nhiên, muốn phát triển đột phá, thì phải có sự đột phá trong nếp nghĩ, cách làm, từ trong cán bộ lãnh đạo, quản lý đến từng người dân. Cần phải cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp sao cho hiệu quả và bền vững hơn, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đồng thời gắn bó giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, liên kết nhiều “nhà”. Phải thay đổi thói quen tư duy, thay đổi phong tục, tập quán sản xuất lạc hậu, manh mún... Trong đó, ưu tiên chuyển đổi các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả kinh tế cao, gắn với sản xuất theo hướng hữu cơ, sạch, an toàn, tiến tới từng bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao... Tiếp tục phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác... để làm đầu mối, đóng vai trò “chủ thể” tham gia liên kết chuỗi. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào quản lý, sản xuất; xây dựng cánh đồng, vùng chuyên canh phù hợp và áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, v.v...
* Khâu đột phá thứ hai: Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, cụm công nghiệp, du lịch sinh thái... Khâu đột phá này nhằm mục tiêu giải phóng “điểm nghẽn” về kết cấu hạ tầng yếu, thiếu đồng bộ, để từng bước nâng cấp, mở rộng, tạo thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh lớn, kết nối với các địa phương giáp ranh để thúc đẩy sự nghiệp phát triển chung của địa phương.
Về hạ tầng giao thông: Cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 55, Tỉnh lộ ĐT 717, tuyến Gia Huynh (Tánh Linh) – Đông Hà (Đức Linh), tuyến Gia An – Bắc Ruộng, tuyến đấu nối Quốc Lộ 55 – đường Thác Bà... Tận dụng lợi thế các tuyến giao thông kết nối với đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Đồng thời, tiếp tục phát triển giao thông nội thị, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, đường vào các khu sản xuất tập trung...
Về hạ tầng thủy lợi: tiếp tục kiên cố hóa kênh mương, đồng thời tập trung phối hợp giải phóng mặt bằng, tái định cư để xây dựng Hồ thủy lợi La Ngà 3...
Về hạ tầng các cụm công nghiệp: Thúc đẩy hoàn thiện hệ thống hạ tầng ở các cụm công nghiệp hiện có. Thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp mới ở Gia Huynh, Suối Kiết và những nơi có điều kiện khác, để mời gọi đầu tư xây dựng các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến...
Về hạ tầng du lịch sinh thái: Yêu cầu nhà đầu tư chủ động, tích cực phối hợp với đơn vị chủ rừng trong việc xây dựng phương án bảo vệ rừng gắn với phát triển Khu du lịch Thác Bà theo cam kết đầu tư. Ngoài ra, tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái Núi Long và những nơi khác; thu hút đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ phục vụ du lịch, như khu nghỉ dưỡng, khách sạn, trạm dừng chân, khu vui chơi...
Đối với các loại hình kết cấu hạ tầng khác: Quan tâm phát triển hạ tầng thương mại – dịch vụ ở trung tâm huyện, trung tâm các xã, thị trấn và các điểm dân cư tập trung, gắn với các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương; mở rộng các khu dân cư mới có kết cấu hạ tầng đồng bộ, v.v...
Thay lời kết
Qua đôi nét về thực trạng, tiềm năng và lợi thế, cùng những định hướng lớn nêu trên, chúng ta nhận thấy huyện nhà đang đứng trước cả những khó khăn, thách thức và thuận lợi, thời cơ cho phát triển. Do đó, nếu không vượt qua được khó khăn và thách thức, không tận dụng được thuận lợi và thời cơ, Tánh Linh sẽ có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn nữa so với các địa phương lân cận và các địa phương khác trong tỉnh.
Thế nên, con đường phát triển tất yếu của chúng ta là cần phải biết phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân huyện nhà; bằng việc chung sức chung lòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội, nhất là 3 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá nêu trên... Theo đà phát triển ấy, cùng với truyền thống anh hùng, Tánh Linh nhất định vững bước đi đến tương lai giàu và đẹp!