TIN MỚI NHẤT

MẠNG XÃ HỘI VÀ NGẪU TƯỢNG THÔNG TIN

Thời đại bùng nổ thông tin thì cũng bùng nổ "ngẫu tượng thông tin". Con người thường gặp phải những ngẫu tượng (ảo ảnh) thông tin, nhận thức... do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chúng tạo thành những lớp bụi mờ, che chắn, khuất lấp, không đầy đủ về sự vật - hiện tượng, chuyển tải đến ta những thông tin sai lệch, biến đổi khác đi sự thật khách quan, dẫn đến sai lầm trong nhận thức của chúng ta.
 

Ngày nay, trên MXH trôi nổi muôn vàn thông tin bằng ngôn từ, kí hiệu, biểu tượng, phim, ảnh... đã qua "bàn tay tác giả" và sự "biến hoá công nghệ" nên khó phân định thật giả, đúng sai... bằng các giác quan thông thường. Cho nên, chúng ta càng dễ sa vào mê cung, ma hồn trận ngẫu tượng thông tin. Vì vậy, chúng ta phải biết vận dụng tri thức khoa học, kể cả kinh nghiệm và trực giác, mới có thể nhận diện khả dĩ đúng đắn nhất định, nhưng không phải bao giờ cũng làm được đối với mọi thông tin trong mọi thời điểm, càng không phải ai cũng làm được. Bởi chúng ta còn bị chi phối bởi cảm xúc, hoàn cảnh tương tác...

Hàng trăm năm trước, Triết gia danh tiếng F.Bacon đã tổng kết rằng, con người thường mắc phải 4 loại ngẫu tượng (ảo ảnh) nhận thức: Ngẫu tượng Bộ lạc, Ngẫu tượng Hang động, Ngẫu tượng Chợ búa, Ngẫu tượng Sân khấu.

Ngẫu tượng Bộ lạc: Đó là những khuyết điểm, sai lầm trong nhận thức chung của con người, do giới hạn của các giác quan và giới hạn của lịch sử đương thời. Hệ quả là con người dễ phạm phải sai lầm, chạy theo tâm lý đám đông, bầy đàn.

Ngẫu tượng Hang động: Đó là những khuyết điểm, sai lầm trong nhận thức của cá nhân mỗi người, thường phụ thuộc vào nhân tố nội sinh (trí tuệ, học vấn, động cơ, mục đích...) và ảnh hưởng của môi trường xã hội xung quanh. Hệ quả là, chúng ta thường hay chủ quan duy ý chí; hoặc bị lệ thuộc vào sách vở, tin theo người có uy quyền, người có uy tín (mà không phải bao giờ họ cũng đúng); hoặc tin theo người khác mà ta cho rằng họ đáng tin cậy; hoặc ta chỉ nhìn thấy những gì diễn ra như "thầy bói xem voi", "ếch ngồi đáy giếng", v.v... Chỉ nhìn thấy "cái bóng" của sự vật mà ta lại nghĩ đó là "bản thân" sự vật.

Ngẫu tượng Chợ búa: Đó là những khuyết điểm, sai lầm trong thông tin, kiến thức mà ta nhận được ở nơi đông người trao đổi, mua bán ngã giá nâng lên hạ xuống, "cò kè bớt một thêm hai", dư luận xã hội, kinh nghiệm có sẵn (có thể đúng với trước đây nhưng nay không còn phù hợp, không còn đúng nữa)... Hệ quả nó khiến chúng ta dễ phạm phải sai lầm trong nhận thức, đó là chạy theo "tin đồn chưa qua kiểm chứng", hoặc "tam sao thất bản", bị bóp méo, xuyên tạc... vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ngẫu tượng Sân khấu: Đó là những khuyết điểm, sai lầm thường mắc phải khi tiếp cận thông tin, kiến thức do người khác đạo diễn, nhào nặn, dàn dựng, tao ra theo "hình ảnh", kịch bản của họ, để thuyết phục người nghe, người xem qua "lăng kính" của họ. Đây là ngẫu tượng mà người dùng MXH lợi dụng triệt để và hiệu quả nhất. Họ tha hồ tạo ra để PR cho tổ chức và cá nhân mình, bán hàng, tạo sóng gió dư luận, gây tiếng vang, xuyên tạc... nhằm đạt được mục đích mà họ mưu cầu.

Đối với mỗi người chúng ta khi tham gia vào không gian mạng, đương nhiên có thể mắc phải các ngẫu tượng thông tin tương ứng dẫn đến có thể phạm phải sai lầm, vấp ngã, ảo ảnh về nhận thức và hành động kéo theo. Vì vậy, cần phải bình tĩnh suy xét, kiểm chứng nguồn gốc, so sánh đối chiếu đa chiều, thẩm định uy tín và"hệ quy chiếu" của tác giả (tổ chức hoặc cá nhân) đưa tin...

Phát xít Đức xưa và một số hãng truyền thông chính trị phương Tây hiện nay áp dụng thuật "mẹ đẻ dối gian của sự thật": nói dối mãi thành thật, nhiều người cùng nói dối và tất cả cùng nói dối sẽ thành thật. Ban đầu, họ bịa đặt ra thông tin "dối trá tuyệt mật". Hay như nhà văn Nam Cao viết là "sự thật một trăm phần trăm dưới hình thức bịa". Những người sau tưởng là sự thật, hoặc ít ra là không biết rằng đó là sự dối trá có tổ chức, rồi họ truyền tai nhau. Họ còn nguỵ tạo các chứng cứ, nguồn gốc như thật. Họ có thể nuôi dưỡng "sự thật dối trá đó" qua nhiều đời, cái nọ đẻ ra cái kia, tạo ra một lai lịch, "gia phả", lấy những sự thật lịch sử có thể kiểm chứng được để làm bình phong anh em họ hàng với "sự thật dối trá", tạo vỏ bọc trung thực, khách quan "bà con với chân lý"... Cho đến một ngày kia không ai còn có thể chứng minh "sự thật dối trá" đó là dối trá, trong khi lại có quá nhiều vỏ bóc khoác cho nó chiếc áo của "sự thật".

Nguồn gốc sâu xa của tư tưởng này có từ thời Hy Lạp cổ đại. Những người chống đối kiên quyết bác bỏ, rằng một nửa sự thật cũng không phải sự thật, còn một nửa dối trá chính là sự dối trá. Trong khi những kẻ dối trá (có thật) lại không nguôi tạo ra sự dối trá (cái giả tạo) để thực hiện ý đồ của mình. Nhiều người cho rằng: VOA, RFI, BBC tiếng Việt... chính là những hiện thân tiêu biểu cho "mẹ đẻ" của "ngẫu tượng thông tin" và "nói dối mãi thành thật", cùng với ma thuật "99% sự thật còn lại 1% là dối trá" trong hầu hết mọi thông tin. Nhưng 1% đó sẽ là "từ khoá" dẫn đến ngẫu tượng nhận thức. Tất nhiên, họ vẫn có những thông tin thật 100% hoặc giả 100%. Có phải vậy không?

"Vị trí người quan sát" hay "hệ quy chiếu" của tác giả sẽ quyết định động cơ, mục đích, nội dung và hình thức thông tin.

Mỗi một cái like, share, biểu tượng, hình ảnh, clip, cảm xúc, thông tin... mà chúng ta tương tác, bày tỏ, sử dụng trên MXH, nếu không đúng đắn thì sẽ góp phần gây ra, củng cố hoặc phụ hoạ thêm cho các ngẫu tượng thông tin, tác động đến nhận thức và hành xử của người khác. Hơn nữa, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy tố hình sự nếu vi phạm ở mức độ tương ứng.

Hãy thượng tôn pháp luật và đạo lý khi tham gia mạng xã hội để tự bảo vệ mình, và hơn nữa, có thể trở thành tác nhân của sự tiến bộ xã hội.


 


Các tin khác