TIN MỚI NHẤT

TÁNH LINH - 30 XUÂN TÁI LẬP

Xuân Quý Tỵ 2013, Tánh Linh hướng tới kỷ niệm 30 năm tái lập huyện (1/5/1983 – 1/5/2013). Trước giải phóng, huyện Tánh Linh thuộc tỉnh Bình Tuy, sau đó sát nhập vào huyện Đức Linh, tỉnh Thuận Hải. Năm 1992, Thuận Hải chia tách, huyện Tánh Linh thuộc tỉnh Bình Thuận.

Xuân đầu tái lập, năm 1983, huyện Tánh Linh có hơn 44.000 dân, sinh sống tại 11 xã (chưa có thị trấn). Phần lớn nhân dân sinh sống nhờ lâm nghiệp (ngành kinh tế mũi nhọn của huyện lúc bấy giờ); 100% dân số ở khu vực nông thôn.

Năm 1993, lưới diện quốc gia được kéo về (sớm hơn 2 năm so với kế hoạch), tạo nên bước ngoặt quan trọng trong thời kỳ tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn huyện nhà, khơi nguồn cho ánh sáng an ninh – ánh sáng văn minh nơi xứ sở trung du miền núi Tánh Linh.

Năm 1994, huyện Tánh Linh được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, do đã có nhiều thành tích trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Sau đó, từ năm 1995 đến năm 1999, lần lượt các xã La Ngâu, Huy Khiêm, Bắc Ruộng và Nghị Đức cũng được đón nhận danh hiệu cao quý ấy. Điểm ghi danh chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng Di tích lịch sử quốc gia, nay đang khởi công xây dựng theo quy hoạch.

Năm 1997, cây cao su bắt đầu được xác định là một trong những cây công nghiệp chủ lực trồng trên đất Tánh Linh. Từ đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, khơi nguồn “vàng trắng” cho nhân dân địa phương. Đến năm 2012, toàn huyện có 18.875 ha cây cao su, số đã thu hoạch đạt 16.400 tấn mủ, giá trị khoảng 280 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, kể từ khi tái lập huyện đến nay, chưa có loại cây trồng nào có thể đem đến nhiều thay đổi to lớn ở Tánh Linh như cây cao su.

Năm 1999, xã Lạc Tánh được nâng cấp lên thành Thị trấn – “đô thị” đầu tiên và duy nhất ở huyện kể từ đó đến nay, nơi sinh sống của trên 15% dân số toàn huyện. Thị trấn bây giờ đã không còn heo hút như ngày nào, mà đang vươn lên ngang tầm một đô thị, với vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa... của toàn huyện.

Năm 2003, ghi dấu bước ngoặt mới trong phát triển nông nghiệp và nông thôn huyện nhà, khi Huyện ủy Tánh Linh ra Chỉ thị 15 về phát triển thủy lợi gắn với giao thông nội đồng. Nhờ đó, đã xây dựng được hệ thống tưới bằng máy và hệ thống tưới tự chảy phủ đến 61% diện tích đất trồng lúa trong huyện, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của nông dân trồng lúa. Phát huy chủ trương đúng đắn đó, năm 2012, Huyện ủy có Chương trình hành động về tiếp tục hoàn chỉnh kiên cố hóa hệ thống kênh mương thủy lợi gắn với giao thông nội đồng đến năm 2015, cùng với nhiều chủ trương, chính sách quan trọng khác, sẽ góp phần đẩy mạnh hơn nữa tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Năm 2004, hoàn thành đổ nhựa tuyến đường đèo Tà Pứa – Đức Phú, đánh dấu sự kiện toàn bộ mạng lưới giao thông liên xã trên địa bàn huyện được nhựa hóa. Ngày nay, Tánh Linh còn có Quốc lộ 55 đi qua, kết nối từ thành phố biển Vũng Tàu đến thành phố cao nguyên Đà Lạt. Bên cạnh đó, chương trình xây dựng Nông thôn mới cũng góp phần nhựa hóa, bê tông hóa, “cứng hóa” nhiều tuyến đường liên thôn, liên xóm, thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

Năm 2009, Trung tâm Dạy nghề huyện liên kết với Trường Đại học Mở TP.HCM mở lớp đào tạo đại học, hệ từ xa, ngành Kinh tế - Luật. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển vượt bậc và toàn diện trên lĩnh vực giáo dục – đào tạo ở địa phương. Ngày nay, con em Tánh Linh có thể được sinh ra, nuôi dưỡng, giáo dục và đào tạo cho đến trưởng thành, “đủ lông đủ cánh”, ngay tại quê hương mình, đạt tới trình độ Cử nhân, trở thành "trí thức". Cùng với việc phát triển mạng lưới giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và dạy nghề, việc liên kết mở các lớp đào tạo đại học ở huyện đã góp phần hoàn thiện, “khép kín” một vòng khâu, từ “đầu vào” đến “đầu ra” trong việc nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương, đất nước.

Năm 2010, khởi công công trình đập thủy lợi Tà Pao, phá vỡ mọi kỷ lục về công trình nhân tạo ở Tánh Linh, đồng thời xác lập một kỳ tích trên đường phát triển của huyện đầu thế kỷ XXI. Công trình này đã đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội suốt 3 khóa liền (X, XI, XII), với tổng vốn đầu tư trên 2.700 tỷ, tưới cho trên 20.000 ha đất nông nghiệp, cấp nước cho 150.000 hộ dân. Rồi đây, sẽ xuất hiện một hồ nước ngọt rộng khoảng 300ha dưới thung lũng núi non, mở ra triển vọng phát triển du lịch sinh thái và nuôi trồng thủy sản cho nhân dân địa phương.

Năm 2012, toàn huyện đồng loạt ra mắt xây dựng Nông thôn mới tại 13/13 xã, với chủ đề “Chung sức chung lòng xay dựng Nông thôn mới”. Phấn đấu đến năm 2015, huyện có 01 xã đạt 19/19 chuẩn Nông thôn mới; đến năm 2018, 100% số xã trong huyện đạt chuẩn Nông thôn mới.

Huyện đã có đường bộ và đường sắt quốc gia đi qua, cùng với những nền tảng vật chất và tinh thần đang có, những công trình trọng điểm đang và sắp triển khai thực hiện, sẽ tạo thành tiền đề quan trọng để kết nối thiên thời – địa lợi – nhân hòa, đưa Tánh Linh “sánh ngang vai” với các địa phương có trình độ phát triển tiên tiến trong tỉnh và cả nước vào giữa thế kỷ XXI.

Không thể kể hết những sự kiện, dấu ấn, bước ngoặt trên đường phát triển của huyện Tánh Linh suốt 30 năm qua trên một vài trang giấy. Hơn hết, quá trình đó đã in đậm trong tâm trí của những người dân Tánh Linh, gắn liền với sự thay đổi cuộc đời họ, mà mỗi người vẫn luôn gìn giữ lấy phần trân trọng cho mình. Trong cuốn lịch sử truyền thống “Huyện Tánh Linh 25 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 – 2000)” đã ghi lại một phần quan trọng, sau này sẽ còn tiếp tục bổ sung, lưu truyền chính sử. Mà càng về sau, những dấu ấn sự kiện xảy ra càng dồn dập, to lớn hơn, càng cho thấy sức sống dâng trào và quát trình phát triển mãnh liệt của một vùng đất – nơi con dân Tánh Linh ngày đêm học tập, lao động, sáng tạo, kiến thiết quê hương xứ sở.

Con cháu 50 năm sau, 100 năm sau, ắt càng bồi đắp “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” bội phần. Và mỗi khi bồi hồi nhớ lại thuở ông cha đi mở đất, sẽ mãi nguyện trong lòng lưu luyến tháng năm trôi.

Nay đứng trên tầm Ba Mươi Xuân tái lập

Nhìn ngược dòng lịch sử mấy trăm năm

Thấy Tánh Linh chuyển mình như huyền thoại

Khi rừng thiêng, nước độc hóa ĐỊA LINH

Mười Tám dân tộc anh em hóa thân thành NHÂN KIỆT!

Xây Tánh Linh muôn đời bất diệt

Xuân tương lai xán lạn tuần hoàn...

Tổ quốc, quê hương vươn tới huy hoàng.

                                     


Các tin khác