TIN MỚI NHẤT

ĐẢNG BỘ TÁNH LINH SAU 30 NĂM TÁI LẬP HUYỆN

Nhớ lại xuân đầu tái lập (năm 1983), Đảng bộ huyện có 405 đảng viên, sinh hoạt tại 30 tổ chức cơ sở đảng. Còn ở địa bàn dân cư, hầu hết các thôn đều chưa có chi bộ, cũng như đa số các thôn đều “trắng” đảng viên. Tỷ lệ đảng viên lúc ấy chiếm chưa tới 1% dân số. Đến cuối năm 2012, Đảng bộ huyện đã phát triển lên 1.963 đảng viên, sinh hoạt tại 36 tổ chức cơ sở đảng, với 197 chi bộ trực thuộc. Ở địa bàn dân cư, đã có 75/75 thôn có chi bộ, 100% thôn có đảng viên. Tỷ lệ đảng viên đạt gần 2% dân số.

        Sau 30 năm tái lập, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo hệ thống chính trị và nhân dân đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn trên hầu hết các lĩnh vực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã có sự chuyển biến toàn diện và sâu sắc; các thiết chế và thể chế văn hóa được hình thành từ huyện đến thôn, bản; hạ tầng kinh tế - kỹ thuật của huyện đã được tăng cường gấp bội để phục vụ cho tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, gắn với phấn đấu xây dựng Thị trấn Lạc Tánh thành đô thị loại IV vào năm 2015.

          Tánh Linh đã chuyển đổi từ một địa phương chủ yếu dựa vào kinh tế Lâm – Nông nghiệp, với 100% dân cư sống ở khu vực nông thôn, thành một địa phương có cơ cấu kinh tế Nông – Lâm – Ngư nghiệp, Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp – Xây dựng, và Thương mại – Dịch vụ, với trên 15% dân số sống ở đô thị.

          Năm 1993, lưới diện quốc gia được kéo về sớm hơn 2 năm so với kế hoạch.

          Năm 2010, khởi công công trình đập Thủy lợi Tà Pao, Kênh tiếp nước Biển Lạc – Hàm Tân, xác lập một kỳ tích trên đường phát triển của huyện đầu thế kỷ XXI.

          Năm 2012, toàn huyện đồng loạt ra mắt xây dựng Nông thôn mới tại 13/13 xã, với chủ đề “Chung sức chung lòng xây dựng Nông thôn mới”.

          Tình trạng giao thông chuyển từ quy mô nhỏ bé, đường đất, cấp phối, đi lại khó khăn, thành mạng lưới giao thông thông thoáng, nhựa hóa, bê tông hóa, “cứng hóa” nhiều tuyến đường liên thôn liên xóm, 100% tuyến đường liên xã liên huyện, đặc biệt có Quốc lộ 55 và Tỉnh lộ DT 717, DT 720 kết nối với các huyện bạn, tỉnh bạn, các trung tâm kinh tế - xã hội cấp vùng miền và quốc gia.

           Hệ thống giáo dục khi mới tái lập huyện chỉ có trường Tiểu học (cấp I) và Trung học cơ sở (cấp II), nay đã hoàn thiện từ bậc Mầm non đến Trung học phổ thông (cấp III), rồi giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp và dạy nghề, liên kết đào tạo cả bậc Đại học, Cao đẳng, Trung cấp ngay tại huyện, v.v…

         Trải qua các thời kỳ cho thấy, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ huyện là nhân tố quyết định đạt được thành tựu trong quá trình triển khai thực hiện và cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở địa phương.

          Do đó, Đảng bộ huyện luôn chú trọng xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trước hết là đối với tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ và Ban Thường vụ Huyện ủy, để thực sự là hạt nhân tiêu biểu, đại diện ưu tú cho hàng ngàn đảng viên và hàng chục vạn quần chúng nhân dân huyện nhà; có đủ đức, đủ tài, đủ năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện các chương trình hành động cách mạng ở địa phương; đoàn kết, gương mẫu đi đầu trong thực hiện chủ trương, chính sách, chức trách, nhiệm vụ được giao; kiên định mục tiêu lý tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng, v.v…

             Ngày nay, Đảng bộ huyện quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, từ cơ quan Đảng đến chính quyền, theo hướng chuẩn hóa, chuyên môn hóa, điện tử hóa… nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tiến trình phát triển mới của cả nước nói chung và của huyện Tánh Linh nói riêng.

         Đặc biệt, phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng các cấp.

         Thứ nhất, Phải thực hiện tốt nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phát huy dân chủ trong tổ chức đảng, trong hệ thống chính trị và trong nhân dân, nhằm phát huy sức mạnh của tổ chức, trí tuệ tập thể, tinh thần đoàn kết, phản biện đa chiều, công khai, minh bạch, gắn với tự phê bình và phê bình, phát huy vai trò của cá nhân ở từng địa phương, đơn vị. Phải kiên trì thực hiện để đạt được thành tựu bền vững, lấy hiệu quả cuối cùng làm thước đo. Tránh nôn nóng mắc phải sai lầm, bệnh thành tích, bệnh hình thức… 

        Thứ hai, Đổi mới việc ban hành văn bản. Cần phải thực hiện quy trình ban hành, triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách một cách khoa học. Trước khi xây dựng dự thảo, khi cần thiết, phải đi khảo sát kỹ thực tế, nắm vững tình hình, tổng hợp và phân tích thông tin khách quan, tham khảo ý kiến sâu rộng của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư và cá nhân những người liên quan mật thiết đến phạm vi tác động, ảnh hưởng của chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch. Đồng thời, có thể tổ chức hội thảo, hội nghị lấy ý kiến phản biện, có sự tham gia “hiến kế” ngay từ ban đầu của các tổ chức và cá nhân liên quan. Tránh lối ban hành văn bản “thuần túy” trên bàn giấy, chủ quan, xa rời thực tiễn, đối phó… Rồi bố trí con người và các nguồn lực triển khai thực hiện, gắn với kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết; tránh phạm sai lầm không đáng có. 

          Thứ ba, Trong thời đại ngày nay, nhân tố con người có hàm tri thức khoa học càng cao càng đóng vai trò quyết định trong phát triển. Do đó, chúng ta phải thực hiện tốt chủ trương của Đảng về xây dựng “xã hội học tập”. Từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải thường xuyên học tập, không ngừng đổi mới, sáng tạo, gắn với vận dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, nhằm hỗ trợ đắc lực vào quá trình công tác. 

         Thứ tư, Kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, những việc làm và biểu hiện vi phạm, tiêu cực. Khẳng khái đứng lên bảo vệ chủ trương, chính sách, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt và những việc làm chân chính, đứng về phía lợi ích chung của Đảng, của Dân. Chống mọi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “suy thoái”… Thường xuyên củng cố và tăng cường niềm tin vào Đảng, vào Nhân dân, vào quy luật phát triển tiến bộ của xã hội, vào tương lai tươi sáng của quê hương, đất nước. Lạc quan yêu đời, cần cù lao động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thử thách, kiên trì đạt được thành tựu bền vững. 

          Nhìn lại lịch sử, kể từ khi thành lập Chi bộ đầu tiên (năm 1946) và khi tái lập huyện (năm 1983) đến nay, Đảng bộ huyện luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, lãnh đạo hệ thống chính trị các cấp trong huyện vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, kháng chiến thành công, xây dựng Tánh Linh ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Với truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, anh dũng, đạt được nhiều thành tích vẻ vang, năm 1994, Đảng bộ, quân và dân huyện Tánh Linh đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

          Có thể nói rằng, quá trình phát triển của Đảng bộ huyện cũng chính là sự phản ánh tập trung nhất của quá trình củng cố, xây dựng và phát triển của hệ thống chính trị các cấp nói riêng, cùng sự vận động phát triển đi lên của toàn huyện nói chung, trong đó việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết của 18 dân tộc anh em huyện nhà đóng vai trò quyết định. Đoàn kết đã trở thành một truyền thống quý báu của dân tộc ta, Đảng ta, cũng như của Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà, chúng ta sẽ không ngừng bồi đắp và phát huy, để tạo thành sức mạnh tổng hợp, hội tụ đầy đủ “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” cho Tánh Linh phát triển vượt bậc trong tương lai./.

 

 


Các tin khác

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

CÔNG TÁC KIỂM TRA - GIÁM SÁT

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH - CHUYỂN ĐỔI SỐ

Image

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NĂM 2023, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024

Ngày 25/1, UBND huyện Tánh Linh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Giáp Hà Bắc - Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính chủ trì Hội nghị; cùng dự còn có đồng chí Trần Vũ Linh Phó bí thư huyện ủy thường trực huyện uỷ- CT HĐND huyện.