TIN MỚI NHẤT

TÁNH LINH 40 NĂM XÂY DỰNG – PHÁT TRIỂN HỘI NHẬP (01/5/1983 – 01/5/2023)

Ngày 01/5/1983 tỉnh Thuận Hải chính thức chia tách huyện Đức Linh thành 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh theo Quyết định số 204 ngày 30/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng. Từ khi tái lập huyện Tánh Linh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thuận Hải quyết định thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời, đến năm 1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tánh Linh lần thứ nhất (nhiệm kỳ 1986-1988). Tính từ năm 1986 đến năm 2020, Đảng bộ huyện Tánh Linh có 9 kỳ Đại hội. Qua 9 kỳ Đại hội, Đảng bộ huyện giữ vững vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới. Trải qua 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, huyện Tánh Linh đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện, diện mạo và tiềm lực kinh tế của huyện có chuyển biến đáng kể, từng bước khẳng định vị thế trong khu vực kinh tế động lực của tỉnh Bình Thuận, góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Có thể điểm lại những dấu son lịch sử, như sau:

Trung tâm huyện Tánh Linh hiện nay

     1. Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh: Từ 409 đảng viên với 30 cơ sở Đảng (năm 1983), đến nay Đảng bộ huyện phát triển 3.399 đảng viên, với 30 tổ chức cơ sở đảng, 288 chi bộ trực thuộc và 76/76 thôn, khu phố có chi bộ. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ luôn được giữ vững. Những thành tựu to lớn của quá trình 40 năm tái lập, xây dựng, phát triển và hội nhập đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, năng động, sáng tạo của Đảng bộ huyện là nhân tố quyết định sự thắng lợi và phát triển. Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp từng bước đổi mới. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp tiếp tục nâng lên. Khối đại đoàn kết toàn dân luôn được giữ vững. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có sức lan tỏa, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng phát triển cả về tổ chức và hội viên, hoạt động khá đồng đều. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể góp phần quan trọng đưa Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện vào cuộc sống.

    2. Những dấu ấn lịch sử, diện mạo và tiềm lực của huyện từng bước khẳng định vị thế trong khu vực kinh tế động lực của tỉnh Bình Thuận. Năm 1993, lưới diện quốc gia được kéo về, tạo nên bước ngoặt quan trọng trong thời kỳ tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn huyện nhà, khơi nguồn cho ánh sáng văn minh cho huyện miền núi Tánh Linh. Năm 1994, huyện Tánh Linh được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, từ năm 1995 đến năm 1999, các xã La Ngâu, Huy Khiêm, Bắc Ruộng và Nghị Đức cũng được đón nhận danh hiệu cao quý ấy. Đồng chí Phạm Minh Tư được tăng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Bia chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng được cấp bằng Di tích lịch sử quốc gia. Năm 1999, xã Lạc Tánh nâng lên Thị trấn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa... của toàn huyện. Năm 2003, Chỉ thị 15 của Huyện ủy với tầm nhìn chiến lược đã tạo một “cú huých” trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Hệ thống thủy lợi, hệ thống kênh mương thủy lợi gắn với giao thông nội đồng tưới cho trên 20.000 ha đất nông nghiệp, mở ra triển vọng phát triển du lịch sinh thái và nuôi trồng thủy sản cho nhân dân địa phương. Chương trình xây dựng Nông thôn mới được khởi động từ năm 2012, đến nay 9/12 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, Thị trấn Lạc Tánh – đô thị loại 4.

     Tánh Linh 40 năm xây dựng – phát triển – hội nhập tạo lập nền tảng kinh tế – xã hội vững chắc. Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá và tương đối ổn định, bình quân tăng 20,14% hàng năm. Thu nhập bình quân đầu người từ 0,079 triệu đồng (năm 1983) lên 55,8 triệu đồng (năm 2023), tăng bình quân 17,82%/năm. Các cụm công nghiệp thu hút ngành nghề gắn liền vùng nguyên liệu lợi thế của huyện được hình thành; tiềm năng du lịch tâm linh, Thác Bà, hồ Đa Mi, hồ Biển Lạc… được hình thành.

     Từ nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, theo kinh nghiệm truyền thống, diện tích gieo trồng 9.382 ha (1983), tăng vượt bậc 63.216 ha, sản lượng lương thực 194.507 tấn (2023) vươn lên là vùng trọng điểm lương thực của Tỉnh. Mô hình cánh đồng lớn, vùng lúa chất lượng cao chiếm 43% trên cánh đồng lớn; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được mở rộng 500 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, thực hiện thành công 40 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh”, được tỉnh công nhận 2 sản phẩm OCOP gạo 3 sao (ST24 và OM18). Phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung, trang trại, gia trại.

    Hạ tầng giao thông được cứng hóa, kết nối 173,8km, hạ tầng kênh mương thủy lợi 198,66 km, gắn với đường giao thông nội đồng đảm bảo phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, sản xuất, với diện tưới 21.000 ha/năm, phục vụ tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nuôi trồng thủy sản phát triển với các loài cá thát lát, cá bống tượng, sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt trên 2.000 tấn (tăng 20 lần so với năm 1983), tăng thu nhập cho nhân dân. Chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp, mang lại hiệu quả thiết thực, duy trì độ che phủ rừng đạt 57%. Diện mạo nông thôn đổi mới từ kết cấu hạ tầng kinh tế, 100% đường liên huyện, liên xã và trục xã, hơn 75% đường trục thôn, hơn 84% đường ngõ, xóm và hơn 72% đường giao thông nội đồng đã được cứng hóa bằng nhựa, bê tông, sỏi cuội đảm bảo đi lại thuận tiện; 100% hộ gia đình sử dụng điện an toàn. Hạ tầng và việc ứng dụng công nghệ thông tin đem lại hiệu quả thiết thực.

     Hạ tầng nước sạch, vệ sinh, môi trường có nhiều tiến bộ, đáp ứng nhu cầu nước cho khu đô thị, khu dân cư tập trung tại 09 xã, thị trấn với 4.784 hộ, công suất 2.840m3/ngày đêm. Xử lý rác thải và hệ thống xử lý nước thải đảm bảo loại A đảm bảo vệ sinh môi trường.

    Đầu tư, gắn với cải thiện môi trường tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Số hộ kinh doanh tăng 3.629 hộ, vốn đăng ký trên 735,868 tỷ đồng, với 250 doanh nghiệp, 15 hợp tác xã, 25 tổ hợp tác hoạt động trên các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ gắn với giải quyết việc làm ổn định cho 2.500 lao động với thu nhập bình quân khoảng 6 đến 10 triệu đồng/tháng, các dịch vụ thương mại, du lịch, văn hóa,… cùng phát triển. Lĩnh vực tài chính, tín dụng đồng hành với phát triển, tạo lực đẩy quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp góp phần ổn định, thực hiện an sinh xã hội.

    Xây dựng, tạo lập văn hóa - xã hội là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng cho phát triển. Từ một huyện nghèo hơn 60% số trường học là tranh tre, tạm bợ, đội ngũ giáo viên các cấp thiếu trầm trọng; đến nay 100% trường học của huyện được kiên cố hóa và phân bố đều khắp các địa bàn dân cư. Năm 1983, có hơn 10 ngàn học sinh, chưa có trường THPT. Đến nay, toàn huyện có 65 đơn vị trường học, 13/13 xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Công tác phổ cập giáo dục của các cấp học được duy trì bền vững, đến năm 2022 đạt chuẩn quốc gia 39/64 trường đạt tỷ lệ 60,9% .

     Công tác chăm sóc sức khỏe có bước phát triển vượt bậc. Cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trung tâm Y tế huyện tương đương bệnh viện hạng III với quy mô 160 giường, 01 Phòng khám đa khoa khu vực 40 giường bệnh và 12 trạm Y tế 65 giường. Tỷ lệ bác sỹ 4,8/10.000 dân. Chương trình Quốc gia về y tế đạt chỉ tiêu. Công tác khám chữa bệnh BHYT được triển khai tốt, đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT.

     Phong trào thể dục - thể thao được củng cố và phát triển thu hút đông đảo người dân tham gia, di tích lịch sử, văn hóa được tiến hành trùng tu, tôn tạo xếp hạng, Di tích Lịch sử “ Hoài Đức- Bắc Ruộng” di tích đình làng Lạc Tánh. Câu lạc bộ Taekwondo phát triển mạnh, rộng khắp đóng góp nhiều vận động viên cho tỉnh, Quốc gia và thi đấu quốc tế.

    Phát triển kinhh tế đi đôi thực hiện chính an sinh xã hội bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều đạt 5,04% (2022). Tỷ lệ người dân tham gia BHYT 98%. Chính sách an sinh xã hội, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, dân sinh - kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đúng mức. tỷ lệ hộ đói, nghèo năm 1983 trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cao, chiếm 25,6%, năm 2022 còn 9,85%.

     Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo huyện Tánh Linh. Đến năm 2022, 9/12 xã (tỷ lệ 75%) về đích nông thôn mới, có 10 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 đến 4 sao trên địa bàn huyện. Huyện Tánh Linh đạt 2/9 tiêu chí và định hướng đến năm 2025 về đích nông thôn mới.

Quốc phòng được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Xây dựng huyện, xã thành khu vực phòng thủ vững chắc.

     Tuy nhiên, kinh tế tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chất lượng tăng trưởng chưa cao. So với mặt bằng chung các huyện trong tỉnh, Hạ tầng cơ sở kinh tế - kỹ thuật còn yếu và chậm phát triển.

     Kỷ niệm 40 năm tái lập huyện Tánh Linh là dịp để chúng ta nhận thức đầy đủ trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá của cha ông trong công cuộc kháng chiến chống pháp, Mỹ, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thành quả Tánh Linh 40 năm xây dựng, phát triển, hội nhập là nền tảng, có ý nghĩa sâu sắc tiếp tục thực hiện sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

    Tánh Linh có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển công nghiệp khi dự án đường cao tốc Bắc – Nam hoàn thành, trọng điểm là vùng Gia Huynh và Suối Kiết, có vị trí gần giao thông trọng điểm cao tốc Bắc – Nam, tuyến đường sắt.

Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và hệ thống chính trị là nhân tố quyết định hàng đầu; khối đại đoàn kết toàn dân là yếu tố quyết định thành công để Tánh Linh vượt qua khó khăn, thử thách; thành quả 40 năm Tánh Linh xây dựng, phát triển hội nhập là nền tảng; hội nhập và phát huy tiềm năng, lợi thế huyện Tánh Linh đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đến năm 2030.

     Đảng bộ huyện Tánh Linh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, dồn sức thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá, cụ thể: 3 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tăng cường xây dựng chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tin gọn, hoạt động hiệu lưc, hiệu quả. (2) Phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới và xây dựng độ thị văn minh ở thị trấn Lạc Tánh. (3) Tăng cường quốc phòng, an ninh, chủ động trong mọi tình huống. 02 khâu đột phá: (1) Mở rộng và nâng cao hiệu quả liên kết, sản xuất theo chuổi giá trị đối với các sản phẩm có tiềm năng và lợi thế của huyện gắng với đổi mới hình thức sản xuất phù hợp. (2) Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi; hạ tầng các cụm công nghiệp mới ở Gia Huynh, Suối Kiết và những nơi có điều kiện khác, thúc đẩy đầu tư hạ tầng du lịch sinh thái.


Các tin khác