TIN MỚI NHẤT

Đầu tư phát triển chợ nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội Đảng huyện Tánh Linh (khóa VII), nhiệm kỳ 2010-2915.

  • /
  • 11.12.2011 - 12:4

Trong những năm qua, việc đầu tư phát triển mạng lưới chợ nông thôn trên địa bàn huyện nhìn chung được quan tâm cải tạo và nâng cấp; tuy nhiên, sau Đại hội Đảng (khóa VII), nhiệm kỳ 2010-2015, chợ nông thôn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.

           Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhu cầu trao đổi hàng hóa tiêu dùng của nhân dân, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm và yêu cầu về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua hệ thống chợ có xu hướng tăng lên; tính đến năm 2010, trên địa bàn huyện có 01 chợ loại 2, 08 chợ loại 3, 03 chợ tạm và 05 xã chưa có chợ. Được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, tranh thủ từ nhiều nguồn vốn, huyện đã từng bước cải tạo, nâng cấp một số chợ, cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu mua bán của nhân dân, song cũng chỉ giải quyết tạm thời, chưa thực sự ổn định và đảm bảo tiêu chuẩn chợ loại 2, loại 3. Bên cạnh đó, vẫn còn một số xã chưa có chợ hoăc chỉ có chợ tạm, chợ tự phát, hình thành do nhu cầu phục vụ tiêu dùng cho một bộ phận dân cư sinh sống trong thôn, xóm, làng, bản. Các chợ này thường chỉ họp vào buổi sáng, hoặc buổi chiều, mỗi phiên chợ diễn ra trong vài giờ, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống tự sản xuất và nuôi trồng; các hộ tiểu thương bày hàng hoá lấn chiếm lòng, lề đường làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông và mất đi vẻ mỹ quan về văn minh thương mại.

             Xác định chợ là kênh lưu thông hàng hoá chủ yếu, nên trong những năm gần đây, mạng lưới chợ trên địa bàn huyện đã được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang theo hướng ngày càng văn minh, phục vụ tốt nhu cầu thiết thực của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần tăng cao nhu cầu trao đổi hàng hoá, tạo việc làm cho người lao động, đưa quá trình giao thương nông thôn vào nền nếp. Do vậy, việc đầu tư hoàn thiện chợ nông thôn đến năm 2015 là một trong các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tánh Linh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra.

            Để triển khai thực hiện chương trình trọng tâm này, ngay đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết nhằm cụ thể hoá chủ trương của Đảng bộ huyện; trên cơ sở Nghị quyết của Ban Chấp hành đảng bộ huyện, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch và thành lập Ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện các mục tiêu đặt ra trong kế hoạch phát triển các khu thương mại - dịch vụ nói chung và xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn huyện giai đoạn 2010-2015 nói riêng, thì chợ nông thôn sẽ là khâu đột phá, mang tính đòn bẩy.

           Sau hơn một năm triển khai thực hiện với 2 hình thức là đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và ngoài ngân sách Nhà nước; đến nay, đã hoàn thành xây mới được 02 chợ nông thôn (chợ Đức Phú và chợ Gia An).

           Chợ Đức Phú đã được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng, tổng diện tích quy hoạch là 10.590 m2, trong đó diện tích đình chợ và các công trình liên quan 7.300 m2. Hiện nay chợ đã hoàn thành phê duyệt giá chuẩn mặt bằng từng lô ki ốt; UBND xã Đức Phú cũng đã có phương án về sắp xếp, bố trí mặt bằng chợ để tổ chức khai trương và sử dụng.

           Chợ Đức Phú ngày khai trương

              Khác với chợ Đức Phú, chợ Gia An áp dụng đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách; hiện nay, chợ Gia An đã được đầu tư với tổng diện tích xây dựng trên 2.000 m2, với tổng vốn đầu tư xây dựng 6,7 tỷ đồng. Đến nay, việc đầu tư xây dựng đã hoàn thành, chủ đầu tư chợ đã tiến hành ký hợp đồng với các hộ tiểu thương cho thuê mặt bằng chợ và đã được đưa vào sử dụng.

           Theo Kế hoạch giai đoạn 2011-2012, tập trung đầu tư xây dựng mới chợ Bắc Ruộng là chợ loại 3 bằng vốn ngân sách nhà nước từ nguồn vốn nông thôn mới trong Quy hoạch chợ mới của Sở Công thương đối với xây dựng nông thôn mới; Chợ được đầu tư xây dựng mới, phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh và diện tích chợ đảm bảo từ 3.000m2 trở lên. Diện tích kinh doanh trong chợ bình quân một lô (tính cả hộ kinh doanh thường xuyên và không thường xuyên) từ 6m2 đến 10m2/hộ. Mặt khác, UBND huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư để đầu tư xây dựng chợ bằng nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách khoảng trên 20 tỷ đồng, tập trung cho việc đầu tư xây dựng mới chợ trung tâm thị trấn Lạc Tánh, chợ Chiều thị trấn Lạc Tánh, chợ Đồng Kho.

             Nhìn chung, việc đầu tư phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn huyện Tánh Linh trong những năm gần đây, nhất là trong năm 2011 đã được xây dựng theo đúng quy hoạch và phù hợp với tình hình thực tế, nhiều chợ đã được nâng cấp, sửa chữa và xây mới khang trang góp phần phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Hệ thống chợ tại địa phương đã cơ bản trở thành nơi tiêu thụ các sản phẩm nông sản, giải quyết được nhu cầu trao đổi hàng hoá, phân phối đến chợ các xã, thị trấn và các thành phố lớn. Chợ nông thôn, miền núi có vai trò quan trọng trong việc trao đổi, mua bán hàng hoá của người dân và giữa các địa phương, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh tế nông thôn phát triển... Công tác chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý chợ đã thu hút được nguồn vốn của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tham gia đầu tư kinh doanh khai thác chợ. Tính đến tháng 12-2011, toàn huyện xây mới 02 chợ, cải tạo và nâng cập 01 chợ, từng bước thay thế các chợ tạm, chợ tự phát, khuyến khích người dân phát triển sản xuất, mở rộng hệ thống thương mại đến các vùng dân cư, đặc biệt là các xã vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn.

  Chợ tạm ở xã Đức Phú trước đây

              Để nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ nông thôn miền núi đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội thì việc xây mới chợ khu vực miền núi, nông thôn phải kết hợp với các dịch vụ thương mại, văn hóa... và phải đảm bảo diện tích kinh doanh và các dịch vụ phụ trợ. Chợ phải có các khu kinh doanh theo ngành hàng gồm: Nhà chợ chính, diện tích kinh doanh ngoài trời, đường đi, bãi đỗ xe, cây xanh, nơi thu gom rác.... Đặc biệt làm sao để thay đổi thói quen của người dân "chuộng" kiểu chợ truyền thống; ngay cả đối với khu vực đô thị, mặc dù hệ thống siêu thị khá dày đặc nhưng chợ truyền thống vẫn là mối quan tâm đặc biệt của cả người bán, người mua. Chính vì thế, phát triển chợ nông thôn trong những năm tiếp theo, vẫn nên xây dựng mô hình chợ truyền thống nhưng theo quy mô hiện đại, nghĩa là vẫn giữ nguyên lề lối, thói quen mua sắm của người dân nhưng phải có hạ tầng tốt, người tham gia kinh doanh hàng hoá phải bảo đảm chất lượng, thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, phong cách bán hàng lịch sự... Các chợ nông thôn phải xây dựng phù hợp với nhu cầu mua, bán của người tiêu dùng và hộ kinh doanh tại địa phương... Do vậy, để phát triển hệ thống chợ nông thôn, miền núi trên địa bàn huyện, đòi hỏi phải sớm giải quyết những bất cập phát sinh như: Tăng cường tiếp cận, sử dụng các nguồn kinh phí hỗ trợ để tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho bộ máy (ban quản lý, tổ quản lý) tổ chức quản lý chợ. Các cơ sở phải chủ động quan tâm thực hiện công tác tái đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp chợ.

                                                                                                            Thanh Quang


  • |
  • 790
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

CÔNG TÁC KIỂM TRA - GIÁM SÁT

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH - CHUYỂN ĐỔI SỐ

Image

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NĂM 2023, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024

Ngày 25/1, UBND huyện Tánh Linh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Giáp Hà Bắc - Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính chủ trì Hội nghị; cùng dự còn có đồng chí Trần Vũ Linh Phó bí thư huyện ủy thường trực huyện uỷ- CT HĐND huyện.