TIN MỚI NHẤT

Nhìn lại sau 10 năm đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện Tánh Linh

  • /
  • 23.5.2011 - 0:0

Trước những năm 2000, hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện chưa có điều kiện đầu tư xây dựng. Hệ thống thuỷ lợi và việc tổ chức bơm tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, … chưa có điều kiện để phát huy hiệu quả, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là dựa vào nước trời là chính.

Một số hộ dân chỉ dùng máy bơm động cơ Diezen với công suất nhỏ để phục vụ cho các mô hình sản xuất nhỏ lẻ. Ở thời điểm này, toàn huyện chỉ có 12 công trình thuỷ lợi (gồm 01 trạm bơm điện và 11 đập tưới tự chảy). Trạm bơm điện Đồng Kho xây dựng từ năm 1998, chỉ phục vụ tưới tiêu khoảng 70 ha, trạm bơm điện Huy Khiêm thì mới thi công phần đầu mối, kênh và công trình trên kênh chưa hoàn chỉnh. Các đập tưới tự chảy thì xây dựng từ thời bao cấp, nay đã xuống cấp, hệ thống kênh mương còn nhiều bất cập nên không phát huy hiệu quả công trình. (Tổng số các tuyến kênh chính: 04 kênh/4.836 m; tuyến kênh nhánh cấp I,II là: 37 kênh/18.385 m). Toàn bộ các công trình thuỷ lợi chỉ tưới được 713ha/năm và đến năm 2000 cũng chỉ bơm tưới được khoảng 1.000 ha/13.000ha gieo trồng lúa và bắp lai của toàn huyện. Diện tích còn lại chủ yếu dựa vào nước trời và các máy bơm động cơ Diezen nên sản xuất nông nghiệp có bấp bênh, cơ cấu mùa vụ không rõ ràng, công tác quy hoạch vùng sản xuất không hiệu quả do thiếu nước, sản xuất manh mún. Từ đó không có hiệu quả trong sản xuất và chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung, việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gặp nhiều trở ngại.

Từ năm 2001 trở đi, được sự quan tâm của chính quyền, địa phương và hưởng ứng của người dân nên hệ thống thủy lợi càng ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả cao đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ra sức tập trung chỉ đạo phát triển thủy lợi trên địa bàn, như đã ban hành Chỉ thị 15-CT/HU, ngày 31/3/2003 của Huyện ủy Tánh Linh về tập trung xây dựng và phát triển thủy lợi gắn với giao thông nội đồng trên địa bàn huyện; ngày 14/5/2003, UBND huyện có Kế hoạch số 05/KH-UBTL triển khai thực hiện Chỉ thị số 15-CT/HU của Huyện uỷ. Ngày 16/7/2003, tại kỳ họp lần thứ 09 - Hội đồng nhân dân huyện khóa V đã ban hành Nghị quyết số 05/2003/NQ-HĐND về việc tập trung xây dựng và phát triển hệ thống thuỷ lợi gắn với giao thông nội đồng trên địa bàn huyện.

Quá trình triển khai được các ban, ngành, đoàn thể, các cấp và các địa phương tập trung nghiên cứu, quán triệt cụ thể đến toàn thể cán bộ và nhân dân trên địa bàn; thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Với sự hỗ trợ và giúp đỡ nhiệt tình của các ngành chức năng của tỉnh, đặc biệt là Công ty khai thác CTTL tỉnh và sự hưởng ứng, nhận thức tích cực của hầu hết các tầng lớp nhân dân mà đặc biệt là lực lượng nông dân đều đồng tình ủng hộ và đánh giá cao tính hiệu quả của nó.

Giai đoạn 2001-2010, trên địa bàn huyện Tánh Linh đã đầu tư xây dựng được 08 trạm bơm điện, 03 đập tự chảy, 01 cầu giao thông kết hợp điều tiết lũ, cải tạo 01 kênh tiêu và xây dựng 01 đê bao chống lũ với tổng vốn đầu tư 120.178 triệu đồng (vốn Nhà nước 118.027 triệu đồng, nhân dân đóng góp 2.151 triệu đồng), trong đó vốn đầu tư từ 2001 đến 2005 là 26.233 triệu đồng và từ năm 2006 – 2010 là 93.945 triệu đồng với diện tích tưới theo thiết kế là 6.515 ha, nâng tổng số công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Tánh Linh là 22 công trình, diện tích thiết kế là 7.357 ha.

UBND huyện đã trích kinh phí đầu tư cho các xã, thị trấn và đơn vị thủy lợi 91 máy bơm động cơ Diezen với tổng số vốn lên đến 746,503 triệu đồng, kết quả đã bơm tưới trên 200 ha lúa và bắp lai vụ Đông Xuân có hiệu quả; với tổng số kênh chính là 14 kênh với chiều dài 53.817 m, kênh cấp I và cấp II được hoàn thiện trên toàn diện tích nằm trong vùng tưới của trạm bơm với tổng số kênh là 159 kênh với chiều dài 111.830m đảm bảo bơm tưới cho phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp; chiều dài kênh mương có bờ kênh lớn có chiều rộng từ 3-4 m vừa chống được thất thoát, rò rĩ nước vừa kết hợp giao thông đi lại thu hoạch nông sản phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân.

Công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình thuỷ lợi cũng được các địa phương quan tâm. Tổng khối lượng đào, đắp và nạo vét kênh mương tính đến nay khoảng 184.960m3. Khối lượng đào, đắp và nạo vét tăng lên hàng năm (năm 2002 khối lượng đào đắp 3.374 m3 thì đến năm 2009 khối lượng đào đắp tăng lên là 42.258 m3.

Các công trình thủy lợi do Nhà nước đầu tư đều giao cho Xí nghiệp Khai thác CTTL La Ngà quản lý phần đầu mối, kênh chính, kênh cấp I, các công trình trên kênh chính; các tuyến kênh nhánh được giao cho Tổ dùng nước do UBND xã, thị trấn quyết định thành lập. Trong những năm qua, Xí nghiệp khai thác CTTL La Ngà đã có nhiều cố gắng trong công tác duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi hàng năm, chỉ đạo kế hoạch bơm tưới hợp lý nên đã góp phần cho địa phương trong việc nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Toàn huyện đã thành lập 34 tổ dùng nước ở 12 xã, thị trấn có hệ thống thủy lợi đi qua và hoạt động theo mô hình tổ dùng nước độc lập. Tổ dùng nước do UBND xã chọn người và ra Quyết định thành lập, từng vụ sản xuất đều có phương án sản xuất, quản lý từ kênh cấp II trở xuống đến kênh nội đồng, ký hợp đồng tưới với Xí nghiệp khai tác CTTL La Ngà, thu các khoản phí của hộ sử dụng nước theo quy định để thanh toán tiền điện, tiền thuỷ lợi phí.

Với 19 công trình trạm bơm, đập tự chảy và 111.830m kênh mương thủy lợi, đã phục vụ tưới trong 10 năm qua cho 47.459,33 ha lúa và nuôi trồng thủy sản (lúa Đông Xuân: 20.827,56 ha; lúa Hè Thu: 15.176,70 ha; lúa Mùa: 11.384,67 ha; nuôi trồng thủy sản: 70,40ha). Diện tích tưới tăng trên 14 lần so với năm 2000, góp phần làm thay đổi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng diện tích trồng lúa, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.

Nhờ đầu tư hệ thống thủy lợi trong những năm qua nên ngành sản xuất nông nghiệp trong huyện đã có những chuyển biến tích cực trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, sản phẩm nông nghiệp được sản xuất ra có chất lượng cao hơn, chi phí đầu tư được tiết kiệm hơn. Trên địa bàn huyện đã hình thành được các vùng sản xuất lúa giống tập trung tại xã Đức Phú, thị trấn Lạc Tánh. Một số mô hình áp dụng hiệu quả như mô hình 02 lúa, 01 đậu; 02 lúa, 01 bắp có hiệu quả kinh tế trên 50 triệu đồng/ha. Chương trình 3.000 ha sản xuất lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện được triển khai và từng bước đạt kết quả khả quan. Hệ số vòng quay sử dụng đất và doanh thu trên một đơn vị diện tích đất được tăng lên, giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Diện tích sản xuất năm 2010 đạt 123,56% so với năm 2001 đối với cây lúa; và đạt 148,02% đối với cây bắp. Năng suất lúa năm 2010 tăng 139,13% so với năm 2001; năng suất bắp năm 2010 tăng 155,35% so với năm 2001. Sản lượng lúa năm 2010 tăng 160,99% so với năm 2001; sản lượng bắp năm 2010 tăng 230% so với năm 2001.

 

Trong 10 năm qua, hệ thống thủy lợi đã tạo ra một bước phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong huyện; quy hoạch nông nghiệp được chi tiết và đồng bộ hơn cả về tổ chức, quản lý và sản xuất; thúc đẩy nông dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học vào trong sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năng suất và sản lượng lương thực ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ngày càng được nâng cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội huyện nhà nói riêng và của tỉnh Bình Thuận nói chung.

Tuy nhiên, các công trình thủy lợi Nhà nước đầu tư nhìn về mặt tổng thể thì chưa hoàn chỉnh, tất cả các hệ thống kênh đều bằng đất, chưa được bê tông hóa, còn thiếu nhiều công trình trên kênh như: cống tưới, cầu qua kênh, cống tiêu...; vì vậy còn gây nhiều khó khăn và trở ngại trong quá trình tổ chức bơm tưới. Công trình thi công phần lớn vào mùa khô nên chỉ chú trọng công tác tưới mà chưa chú trọng đến việc tiêu thoát lũ trong mùa mưa, nên đã để xảy ra tình trạng ngập úng tại một số khu vực làm thiệt hại cho bà con nông dân, hạn chế này kéo dài qua nhiều năm nhưng đơn vị thi công chưa khắc phục kịp thời. Hệ thống kênh và công trình trên kênh cấp II trở xuống đến kênh nội đồng do UBND các xã, thị trấn và Tổ dùng nước huy động sức dân đầu tư xây dựng, hầu hết chưa thi công đúng theo quy hoạch, chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, một số tuyến kênh nội đồng do chỉ mang tính chất tạm thời, các công trình trên kênh đều xây dựng tạm bợ hoặc không có nên rất khó khăn cho việc tiêu thoát nước về mùa mưa và hao tốn nước về mùa khô. Hơn thế nữa, các Tổ dùng nước thay đổi và được thành lập theo tính chất thời vụ và hàng năm, đồng thời chưa qua đào tạo nên hoạt động chưa có hiệu quả cao. Công tác phối hợp giữa các ngành chức năng với địa phương để ngăn chặn việc trộm cắp các thiết bị công trình, đào phá các tuyến kênh mương và vận chuyển quá tải trọng trên bờ kênh gây ra lầy lội về mùa mưa chưa được chặt chẽ và đồng bộ. Hệ thống điện phục vụ cho các trạm bơm điện không được ổn định, trong quá trình bơm tưới về mùa khô thường bị mất điện đột ngột cũng là một trở ngại lớn và ảnh hưởng đến kết quả sản xuất mùa vụ.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong 10 năm qua, đồng thời khắc phục những khó khăn, tồn tại và vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, cần chú ý quan tâm đến những yêu cầu sau:

-Từ nay đến năm 2015, cần phải cơ bản đạt 95% diện tích lúa và cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện được chủ động tưới bằng trạm bơm điện và phát huy các năng lực tưới của các công trình thủy lợi nhỏ, đập dâng tự chảy và hồ chứa;

-Chỉ đạo các ngành chức năng, cơ quan phối hợp trong công tác bồi thường giải tỏa, tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị thi công sớm hoàn thành hệ thống thủy lợi Tà Pao, Kênh tiếp nước Biển Lạc – Hàm Tân để vừa phục vụ tưới cho toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện Tánh Linh và Đức Linh cũng như cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản,...;

-Tranh thủ các nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ cùng với việc phát động phong trào xây dựng nông thôn mới và huy động sự tích cực đóng góp trong dân để lên kế hoạch kiên cố hóa kênh mương và giao thông nội đồng bằng bê tông, tu sửa và nạo vét hệ thống kênh mương hàng năm; từng bước khắc phục những thiếu sót trong bơm tưới, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bơm tưới gây ra trong sản xuất;

-Tổ chức rà soát và điều chỉnh quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết về phát triển nông nghiệp - thủy lợi và giao thông nội đồng đến năm 2015 theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7; từ đó, các ngành, các cấp đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện theo từng công trình;

-Củng cố vững chắc Tổ dùng nước, khuyến khích thành lập hợp tác xã dùng nước để chủ động sản xuất, thực hiện việc miễn thủy lợi phí theo chính sách và tập trung huy động sức dân đóng góp để thực hiện việc kiên cố hóa kênh mương và xây dựng giao thông nội đồng, mở rộng phạm vi tưới và có giải pháp tiêu thoát lũ về mùa mưa./.

 

                                                                                                                            Đ.V.M.

  • |
  • 889
  • |

Các tin khác

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

CÔNG TÁC KIỂM TRA - GIÁM SÁT

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH - CHUYỂN ĐỔI SỐ

Image

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NĂM 2023, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024

Ngày 25/1, UBND huyện Tánh Linh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Giáp Hà Bắc - Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính chủ trì Hội nghị; cùng dự còn có đồng chí Trần Vũ Linh Phó bí thư huyện ủy thường trực huyện uỷ- CT HĐND huyện.