Bước vào vụ sản xuất Đông Xuân 2010-2011, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, lượng mưa trung bình trên địa bàn huyện ít, thấp hơn trung bình nhiều năm. Tại hồ Hàm Thuận và Đa Mi lượng nước tích được hiện nay rất thấp; dịch bệnh trên cây trồng, nhất là bệnh đạo ôn gây hại ở số lượng và cấp bệnh cao; tình hình bệnh tai xanh ở heo phát sinh trên địa bàn huyện đã gây thiệt hại nhiều về kinh tế cho người chăn nuôi heo, số lượng đàn heo giảm mạnh và diễn biến khó lường, bệnh trên đàn vật nuôi vẫn còn tiềm ẩn và có thể bùng phát thành dịch nếu chủ quan. Các Trạm bơm điện và hệ thống tưới tiêu, phai chắn một số nơi chưa khắc phục được làm ảnh hưởng đến khả năng tưới của một số công trình, khả năng thiếu nước do cúp điện đột xuất có thể xảy ra.
Nhiệm vụ chủ yếu trong sản xuất vụ Đông Xuân 2010-2011
- Theo dõi, nắm chắc tình hình thời tiết, nguồn nước các hồ đập, từ đó có kế hoạch cân đối nguồn nước để bố trí sản xuất nhằm cung cấp nước một cách hiệu quả nhất cho vụ Đông xuân 2010-2011.
- Đối với cây lúa: xuống giống tập trung, đồng loạt, theo lịch né rầy của Trạm Bảo vệ thực vật, sử dụng cấp giống lúa xác nhận để sản xuất. Đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ tại các diện tích nằm trong vùng tưới của hệ thống thuỷ lợi, đồng thời gắn với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hạn chế sâu bệnh gây hại và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
- Tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp nhằm chấm dứt sớm tình hình bệnh tai xanh trên đàn heo, đưa ngành chăn nuôi heo trở lại bình thường.
- Thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm và lở mồm long móng cho đàn gia súc;
- Triển khai có hiệu quả quy hoạch điểm giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn huyện.
Nhiệm vụ cụ thể
- Tổng diện tích gieo trồng cây ngắn ngày là 10.135 ha, trong đó: cây lúa 7.150 ha, cây bắp 1.580 ha, đậu các loại 1.080 ha và rau các loại là 325 ha.
- Tổng sản lượng lương thực cây có hạt 52.897 tấn, trong đó: cây lúa 40.027 tấn và cây bắp 12.960 tấn.
- Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống bệnh tai xanh trên đàn heo; tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chú trọng công tác tiêm phòng; đồng thời củng cố hệ thống Thú y cơ sở đủ mạnh để tăng cường công tác giám sát thú y, kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Để đạt được diện tích, năng suất, sản lượng, hạn chế nguy cơ bệnh vàng lùn & lùn xoắn lá gây hại, cần lưu ý một số nội dung sau:
- Đảm bảo thời gian cách ly tối thiểu giữa 2 vụ sản xuất là 15 - 20 ngày.
- Gieo trồng tập trung, đồng loạt theo lịch né rầy cho từng khu vực, từng cánh đồng.
- Tiếp tục thực hiện phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng, nhất là đối với rầy nâu, bệnh vàng lùn & lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn trên cây lúa, bệnh lùn sọc đen hại bắp… Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả các mô hình nhân giống lúa và các chương trình xã hội hóa giống lúa trong vụ Đông Xuân 2010-2011.
- Các giống lúa được phép sản xuất đại trà:
+ Giống chủ lực: TH6, IR59606, IR 62032, IR59656, IR56279, AS996, OMCS 2000, OMCS2000, OM2514, OM2717, OM4218.
+ Giống bổ sung: ML214, OM4900, OM6162, OM1490, VND95-20, IR64, ST3, OM3536.
+ Giống triển vọng: OM5930, OM4498, OM5936, OM6377, OM6677.
- Giống bắp: Một số giống bắp khuyến cáo nông dân sử dụng: LVN10, C919, CP888, CP999, Bioseed9698, LNS222./.