TIN MỚI NHẤT

Tánh Linh - Nhìn lại nửa chặng đường giai đoạn 2020 – 2025

  • BBT
  • /
  • 23.6.2023 - 10:39

Bài 1: Điểm qua 10 kết quả nổi bật trên lĩnh vực kinh tế – xã hội

Huyện Tánh Linh có tiềm năng và lợi thế nhất định về điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai để phát triển nông nghiệp, du lịch sinh thái, công nghiệp, với 2 trục giao thông chính là Quốc lộ 55 và tuyến ĐT 720 gần điểm kết nối với cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, Quốc lộ 1A, v.v...

Trung tâm huyện

Qua hai năm rưỡi năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, mặc dù đại dịch COVID-19 đã gây khó khăn lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và hoạt động của cả hệ thống chính trị huyện trong 2 năm qua (2020, 2021), song Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Tánh Linh đã chung sức chung lòng, nỗ lực vươn lên và đạt được một số kết quả có ý nghĩa quan trọng, tạo sức lan tỏa sâu rộng trên các lĩnh vực, đó là:

1. Việc thực hiện 13 chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng đến nay cơ bản đảm bảo tiến độ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng, giá trị Nông - Lâm - Thủy sản chiếm 45,1%; Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và Xây dựng chiếm 33,7%; Thương mại - Dịch vụ chiếm 21,2%.

2. Lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng khá, tiếp tục chỉ đạo đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng các cây trồng lợi thế. Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đạt 5.693 tỷ đồng; diện tích có liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được 2.755 ha, tăng so với đầu nhiệm kỳ 1.515 ha, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt 8,2%. Diện tích gieo trồng cây hàng năm đến cuối năm 2022 là 34.250 ha, đạt 107% so với Nghị quyết và 98,8% so với đầu nhiệm kỳ; sản lượng lượng thực năm 2022 là 186.500 tấn, đạt 101% so với Nghị quyết và 97% so với đầu nhiệm kỳ; diện tích đất nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ 10%, tăng 8% so với đầu nhiệm kỳ. Diện tích cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả duy trì ổn định trên diện tích 28.863 ha. Hiện trên địa bàn huyện có trên 500 ha đất lúa được sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt 1,09% so với diện tích đất nông nghiệp, đất lúa được sử dụng phân bón hữu cơ tăng từ 1.480 ha năm 2020 lên 2.660 ha năm 2022, đạt 8,6% so với kế hoạch, trong đó có 50 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đã tạo dần thói quen sản xuất theo hướng hữu cơ về lâu dài của bà con nông dân trên địa bàn huyện.

3. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt giá trị sản xuất 4.252 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 7,35% so với năm 2020, đạt 43% so với kế hoạch nhiệm kỳ; tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%. Thương mại - dịch vụ hoạt động ổn định và mở rộng, tính đến năm 2022 đạt 1.396 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2020, tốc độ tăng trưởng hàng năm là 12%. Từ năm 2020 đến nay, đã thành lập mới 02 hợp tác xã (HTX); lũy kế đến nay toàn huyện có 16 HTX, 02 quỹ tín dụng nhân dân, 25 tổ hợp tác (THT). Kinh tế tư nhân tiếp tục đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của huyện. Toàn huyện có 4.380 hộ, tổng vốn đăng ký 1.116 tỷ đồng.

4. Duy trì ổn định độ che phủ rừng ổn định 57%; năng suất rừng trồng ngày càng được cải thiện (bình quân 61,3 m3/ha). Định kỳ thành lập các Đoàn truy quét phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, từ đó kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm. Năm 2021 xảy ra 62 vụ vi phạm, tăng 33 vụ (62/29 vụ) so với năm 2020, cháy rừng xảy ra 01 trường hợp tại Ban quản lý Khu BTTN Núi Ông. Năm 2022, xảy ra 52 vụ vi phạm luật Lâm nghiệp, giảm 10 vụ so với cùng kỳ (52/62 vụ, giảm 16,1%), không xảy ra cháy rừng; quý I/2023 xảy ra 10 vụ vi phạm trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, giảm 12 vụ so với cùng kỳ (10/22 vụ).

5. Thường xuyên quan tâm huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu. Trong đó, đã huy động vốn đầu tư công cấp tỉnh, cấp huyện được trên 491 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục… Thu ngân sách hàng năm đều vượt dự toán giao: Năm 2020 thu đạt 110.843 triệu đồng. Năm 2021 thu đạt 97.744 triệu đồng, đạt 145,8% so với dự toán. Năm 2022 thu đạt 139.827 triệu đồng, đạt 199,7% so với dự toán; quý I/2023 thu đạt 25.000 triệu đồng, đạt 25,51% dự toán giao.

6. Chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bức phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Việc chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ đạt được một số kết quả nhất định, như mô hình trồng tre lấy măng tại xã Huy Khiêm, nuôi ếch thương phẩm trong bể bạt tại thị trấn Lạc Tánh, các nhãn hiệu chứng nhận: gạo Tánh Linh, hạt điều Tánh Linh, cá Thát lát Tánh Linh...

Thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ; phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân. Có 100% cán bộ, công chức ở huyện, xã, thị trấn được trang bị máy tính phục vụ công việc chuyên môn; 95% văn bản được ban hành của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, xã, thị trấn được ký số và gửi trong hệ thống phần mềm quản lý văn bản; 100% cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử công vụ đạt tần suất theo quy định (0,125 lần/ngày); xử lý trực tuyến đối với các hồ sơ dịch vụ công và các phần mềm chuyên ngành phục vụ hoạt động chuyên môn. Đã thành lập 76/76 tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn/bản/khu phố hướng đến mục tiêu hỗ trợ người dân tiếp cận, nâng cao kỹ năng sử dụng các thiết bị, ứng dụng số. Phối hợp tổ chức hướng dẫn cho hộ nông dân quảng bá và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử Postmart; triển khai tập huấn hướng dẫn các ứng dụng như: nhật ký sản xuất điện tử, kế toán hợp tác xã, theo dõi quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết nối và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

7. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 920 tại 02 xã (Măng Tố và Đức Phú), tổng số địa bàn đã được đo đạc bản đồ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai trong huyện là 7/13 xã, thị trấn. Công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản gắn với kiểm tra xử lý trách nhiệm quản lý Nhà nước của UBND các xã, thị trấn theo phân cấp được thực hiện thường xuyên. Trong 02 năm (2021, 2022) và quý I/2023 đã tổ chức kiểm tra, xử phạt trên 269 trường hợp khai thác, vận chuyển trái phép khoáng sản với tổng số tiền phạt 1,6 tỷ đồng, tịch thu nhiều phương tiện, tang vật khai thác khoáng sản trái phép. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

8. Thực hiện tốt chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từng bước có chuyển biến tích cực trên các mặt. Đã có 40/64 trường học (từ mầm non đến trung học cơ sở) đạt chuẩn quốc gia (có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2), đạt tỉ lệ 62,5%; có 49/64 trường đạt chuẩn cơ sở vật chất, đạt tỷ lệ 76,6%; có 1/2 trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 50%.

Công tác y tế được quan tâm thực hiện, nhất là các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Việc khám chữa bệnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân huyện nhà, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 98,11%.

Thực hiện chính sách an sinh xã hội kịp thời, đảm bảo theo quy định. Lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể thao được duy trì thường xuyên. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đạt nhiều kết quả. Có 09/12 xã đạt xã văn hóa nông thôn mới, 150/150 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 72/76 thôn, khu phố đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, số hộ đạt gia đình văn hóa 23.962 hộ, đạt 84% tổng số hộ)

9. Từng bước xây dựng huyện Tánh Linh đạt chuẩn nông thôn mới và giữ vững chuẩn đô thị văn minh ở thị trấn Lạc Tánh, là một nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 – 2025. Theo Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp huyện, giai đoạn 2016 – 2020, huyện đạt 5/9 tiêu chí. Đến cuối năm 2022, theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, huyện đạt 2/9 tiêu chí (Tiêu chí 3 về Thủy lợi và phòng chống thiên tai; Tiêu chí 4 về Điện). Bộ tiêu chí xã nông thôn mới ước đạt 139 tiêu chí, bình quân đạt 11,58/19 tiêu chí mỗi xã, có 9/12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ đạt 75%.

10. Huyện Tánh Linh xác định phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu là một trong các khâu đột phá cho địa phương, theo Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 09/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, giai đoạn 2021 - 2025. Hệ thống đường giao thông đến trung tâm xã, thị trấn, thôn, bản được thông suốt, phục nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản cho nhân dân và phát triển kinh tế cho huyện nhà. Đường giao thông nông thôn tiếp tục thực hiện theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Tổng số đường GTNT trên toàn huyện được cứng hóa bằng nhựa và bê tông xi măng là 272,82 km/366,1 km, đạt 80,87%; với tổng kinh phí trên 27,147 tỷ đồng. Đường giao thông nội đồng thực hiện cứng hóa bằng nhựa, bê tông xi măng, sỏi cuội, sỏi đỏ 181,98/209,33 km đường giao thông nội đồng đạt 86,93% kế hoạch.

Hiện nay trên địa bàn huyện có 5 nhà máy nước với tổng chiều dài đường ống cấp nước 114.528 m do Trung tâm nước sinh hoạt và VSMT Bình Thuận quản lý cung cấp nước tại các khu dân cư (tập trung vùng đồng bào dân tộc thiểu số) thuộc 09 xã, thị trấn với 4.784 hộ lắp đặt thủy kế (sử dụng 5.369/27.527 hộ, đạt 19,5%), công suất 2.840m3/ngày đêm. Ngoài ra, đã mời gọi đầu tư các dự án Nhà máy nước Tà pao-N.I.D tại xã Đức Bình, Nhà máy nước Gia An tại xã Gia An để mở rộng phục vụ nhu cầu cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện. Công tác thu gom rác thải đảm bảo, không để tình trạng rác ứ đọng gây ô nhiễm môi trường, gây mất vệ sinh, mỹ quan. Trong năm 2023, di dời bãi rác tạm tại thôn 5, xã Đồng Kho và tiếp tục di dời hết các bãi rác tạm tại Nghị Đức, Măng Tố, Bắc Ruộng và Đức Phú về xử lý hoàn thành đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện.

Công tác chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm huyện, đã tranh thủ các nguồn vốn hàng năm đầu tư các hoa viên cây xanh tính đến nay đã cơ bản hoàn thành nhằm tạo không gian xanh, phục vụ người dân, góp phần làm tăng vẻ đẹp cảnh quan đô thị,hàng năm, duy trì và chăm sóc hệ thống cây xanh, xây dựng các hoa viên cây cảnh, cải tạo trồng mới cây xanh dọc các tuyến đường trung tâm huyện. Đến nay đã đầu tư hoàn thành 95% các hoa viên, quãng trường và hệ thống chiếu sáng công lộ trên địa bàn thị trấn Lạc Tánh.

Hạ tầng các cụm công nghiệp thực hiện theo quy hoạch, Tánh Linh hiện có 4 cụm công nghiệp với tổng diện tích 85,13 ha, trong đó tổng diện tích quỹ đất dành cho công nghiệp là 39,4093 ha, cụ thể: (1) Cụm công nghiệp gạch ngói Gia An (tại xã Gia An) 32,53 ha; (2) Cụm công nghiệp Lạc Tánh (khu Bàu Da) 19 ha; (3) Cụm công nghiệp Nghị Đức 10 ha; (4) Cụm công nghiệp chế biến cao su Gia Huynh (Suối Kè - Thôn 1, xã Gia Huynh) 23,6 ha. Các chủ đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đầu tư xây dựng theo quy định.

Về phát triển hạ tầng du lịch sinh thái, ngoài khu du lịch sinh thái Thác Bà, huyện đã phối hợp với chủ đầu tư tiến hành khảo sát các dự án như: Khu du lịch sinh thái Núi Long tại xã Đồng Kho, Trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đa Mi; hướng dẫn cho các hộ dân có diện tích đất ở một số khu vực có cảnh quan đẹp, điều kiện phù hợp lập thủ tục theo quy định để phát triển nhiều loại hình du lịch, đa dạng quy mô du lịch, kể cả vừa và nhỏ, gắn với thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Các loại hình dịch vụ như: nhà nghỉ, điểm thương mại – dịch vụ,… từng bước phát triển. Bình quân, lượng khách tham quan danh lam thắng cảnh tại các khu, điểm du lịch đạt khoảng 60.000 lượt khách/năm.

Tiếp tục phát triển hạ tầng thiết yếu về văn hóa - thể thao, điện, đường, trường, trạm, thông tin liên lạc, thực hiện chuyển đổi số, v.v...

11. Xác định khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp là mở rộng và nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm có tiềm năng và lợi thế của huyện, gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất phù hợp. Trên địa bàn huyện, đã hình thành vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha, thực hiện cánh đồng lớn được 2.242 ha (đạt 74% kế hoạch), tăng 932 ha so với đầu nhiệm kỳ. Tiếp tục duy trì sản xuất lúa giống xác nhận theo hướng tập trung từ 200 - 250 ha/năm; thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ nhằm lách, tránh thiên tai được hơn 2.550 ha, tăng 550 ha so với năm 2020, trong đó: Chuyển sang trồng cây bắp lai 1.000 ha; đậu, mè các loại 600 ha; rau các loại 600 ha; cây đậu phụng 350 ha và cây ăn quả 02 ha; thu nhập cao hơn sản xuất lúa từ 5 - 6 triệu đồng/ha/vụ. Ổn định vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày trên 28.000 ha, đạt 105% so với đầu nhiệm kỳ, như: Cây cao su 21.860 ha, ước sản lượng mủ đạt 35.000 tấn/năm; Cây điều trên 5.700 ha, sản lượng năm 2022 đạt trên 3.000 tấn... Qua đó, tạo được vùng nguyên liêu tập trung, thu hút được các công ty, gồm 14 nhà máy sơ chế mủ cao su và 3 cơ sở sơ chế hạt điều, tạo công ăn việc làm cho người dân và tăng thu nhập.

Đến nay, huyện có 3 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm: Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (lúa gạo) của Công ty Đại Nhật Phát; Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (lúa gạo) của Công ty Đại Nông Cơ Giới do tỉnh phê duyệt và Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (gạo nếp) của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đức Bình (huyện phê duyệt). Tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn rà soát, đề xuất mở rộng thêm 6 chủ thể đứng ra liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025: Chuỗi liên kết (lúa gạo) của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Huy Khiêm - Tánh Linh; Chuỗi liên kết (lúa gạo) của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đức Phú; Chuỗi liên kết (lúa gạo) của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Gia An; Chuỗi liên kết (lúa gạo) của Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Thảo Nguyên; Chuỗi liên kết (cá nước ngọt) của Công ty TMDV - SX Phối Phối và Chuỗi liên kết (rau quả) của Công ty TNHH - XNK Hoàng Gia. Duy trì mối liên kết với các doanh nghiệp đầu tư - tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với 2.700 ha lúa, 45 ha đậu các loại và 10 ha rau, tăng gấp 2,2 lần so với đầu nhiệm kỳ. Các công ty, doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với nông dân đến tìm hiểu, hợp tác tăng so với đầu nhiệm kỳ. Đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện có 10 sản phẩm OCOP; trong đó, có 4 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao cấp tỉnh: Thỏ sấy gác bếp của hộ kinh doanh Hồ Hữu nghị tại xã Huy Khiêm; Cá thát lát của Công ty TMDV - SX Phối Phối, Lạc Tánh; Gạo Đức Lan ST 24 và OM 18 Hộ kinh doanh Phan Thị Lan xã Đức Bình. Đã tổ chức đánh giá cấp huyện và đang đề nghị đánh giá cấp tỉnh cho 6 sản phẩm / 2 chủ thể: Tinh bột nghệ Đông Đan, Hộ kinh doanh Lê Thị Lệ Thắm, xã Bắc Ruộng; 2. Tương ớt bằm lên men tự nhiên; Ớt tươi lên men tự nhiên sa tế; Ớt xiêm xanh ngâm giấm tỏi; Ớt khô; Ớt bột khô của Công ty TNHH sản xuất kinh doanh XNK nông sản Hoàng Gia - thị trấn Lạc Tánh. Đặc biệt, gần đây, huyện đã thu hút được tập đoàn Lộc Trời về liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặt chi nhánh tại xã Đồng Kho, v.v...

(Bài 2: Định hướng phát triển kinh tế – xã hội từ nay đến cuối năm 2025)

P/s: Bài viết được biên soạn theo nội dung Báo cáo số 445-BC/HU, ngày 6/6/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa IX) về Sơ kết, đánh giá giữa nhiệm kỳ về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.


Các tin khác

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

CÔNG TÁC KIỂM TRA - GIÁM SÁT

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH - CHUYỂN ĐỔI SỐ

Image

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NĂM 2023, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024

Ngày 25/1, UBND huyện Tánh Linh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Giáp Hà Bắc - Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính chủ trì Hội nghị; cùng dự còn có đồng chí Trần Vũ Linh Phó bí thư huyện ủy thường trực huyện uỷ- CT HĐND huyện.