TIN MỚI NHẤT

Tánh Linh: Thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

LTG: Để phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững, cần phải thực hiện ít nhất 4 trụ cột sau: (1) Sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, có sự liên kết nhiều nhà; (2) Tăng cường ướng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất, kinh doanh theo hướng “nông nghiệp thông minh”; (3) Các hộ sản xuất tự giác liên kết hình thành các nhóm, tổ, hợp tác xã sản xuất – kinh doanh nông sản và ngành nghề liên quan để hỗ trợ sản xuất và kết nối thị trường; (4) Có sự hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước về phát triển hạ tầng, chính sách phát triển đúng đắn, phòng chống rủi ro thị trường, thiên tai, dịch bệnh...

Từ định hướng đúng đắn

Sản xuất nông nghiệp của huyện Tánh Linh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng đổi mới và nâng cao hiệu quả các mô hình tăng trưởng các sản phẩm chủ yếu, giá trị sản phẩm theo liên kết chuỗi đã được nâng lên. Tuy nhiên, do sản xuất còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ nên việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Vai trò trung gian giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua cầu nối hợp tác xã nông nghiệp trong chuỗi liên kết chưa đồng bộ và hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, dẫn đến hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa cao và thiếu bền vững.

Do đó, việc tiếp tục cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, trong đó xác định việc mở rộng và nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm có tiềm năng và lợi thế của huyện, gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất phù hợp” là một trong hai khâu đột phá cần phải tập trung thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2025, theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX. Đồng thời, phải chú trọng phát triển kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp, xem đó là một yêu cầu thiết yếu trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, là điều kiện tiên quyết để mở rộng các hình thức liên kết kinh tế giữa người sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Cùng các mục tiêu cần đạt được

Tập trung khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế và thu hút các nguồn lực để đầu tư, ứng dụngtiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, mở rộng liên kết tiêu thụ nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.

Đẩy mạnh sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao với quy mô sản xuất tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn sản phẩm và giá trị gia tăng cao hơn, gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

* Về sản xuất: Tập trung vào 3 ngành hàng chủ lực và lợi thế của huyện gồm: lúa gạo; điều; cao su để nâng cao chất lượng, đồng thời tiếp tục chuyển đổi sang cây trồng cạn có giá trị cao trên đất lúa kém hiệu quả. Cụ thể như sau:

- Chuyển 100% diện tích vùng lúa chất lượng cao (3.000 ha) sang sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn, trong đó: 150 ha sản xuất lúa giống chất lượng cao và 500 ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.

- Phấn đấu trên 10% diện tích cây Điều hiện có (450 ha) được canh tác theo hướng hữu cơ bằng giống có chất lượng cao hơn.

- Ổn định diện tích cây cao su ở mức 20.000 ha, trong đó định hình vùng chuyên canh tập trung ở Suối Kiết, Gia Huynh (13.000 ha – 14.000 ha) với chất lượng và năng suất mủ cao hơn.

- Chuyển từ 800-1000 ha diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn (cây dược liệu, cỏ chăn nuôi, rau, củ, quả, cây ngắn ngày khác,…) có hiệu quả cao hơn.

* Về liên kết

- Phấn đấu có 100% diện tích lúa sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn đều có liên kết tiêu thụ sản phẩm; trong đó 60% diện tích sản xuất lúa giống có liên kết chuyển giao kỹ thuật công nghệ và tiêu thụ sản phẩm.

- Toàn bộ diện tích điều canh tác theo hướng hữu cơ đều được doanh nghiệp liên kết chuyển giao kỹ thuật và thu mua sản phẩm.

- Từng bước hình thành các nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã làm dịch vụ sản xuất và thu gom tiêu thụ mủ cao su theo vùng tập trung từ 100 ha trở lên, gắn với sơ chế ban đầu.

- Thu hút liên kết đầu tư sản xuất – tiêu thụ trên diện tích chuyển đổi cây trồng cạn theo hướng từng dự án cây trồng đều có doanh nghiệp ký kết với nhóm đại diện nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác).

Đến nhiệm vụ và giải pháp khả thi

Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp và định hướng sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn, theo hướng hữu cơ, an toàn sản phẩm gắn với liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Xác định vị trí, vai trò tất yếu khách quan của kinh tế tập thể, nhất là Hợp tác xã kiểu mới (khác với mô hình hợp tác xã trước đây). Qua đó, thay đổi cách nghĩ, cách làm trong chỉ đạo, chuyển dần tập quán canh tác cũ của nông dân trong sản xuất; phân định được trách nhiệm mời gọi đầu tư của các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, tạo sự chuyển biến rõ nét bộ mặt nông thôn.

Đa dạng hóa các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tùy theo quy mô và chủng loại sản phẩm mà đối tác có nhu cầu liên kết hoặc đặt hàng để lựa chọn hình thức liên kết theo từng khâu hoặc theo chuỗi cho phù hợp. Tập trung xây dựng các Dự án hỗ trợ liên kết theo chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Xây dựng các hình thức hợp tác phù hợp với hình thức liên kết theo hướng đa dạng hóa về hình thức hợp tác, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn hoạt động. Tùy điều kiện thực tế và điểm xuất phát ban đầu để xác định quy mô, biện pháp quản lý phù hợp; trước hết tập trung làm các dịch vụ đầu vào, đầu ra, sau đó mở rộng ngành nghề, tiến tới sản xuất, kinh doanh tổng hợp với quy mô lớn hơn. Thành lập các Hợp tác xã hoặc các Tổ hợp tác để tập trung phát triển vào 3 ngành hàng chủ lực và lợi thế của huyện. Mặt khác, tùy theo điều kiện của từng vùng, từng khu vực để hình thành và mở rộng các Hợp tác xã, Tổ hợp tác cho phù hợp với quy mô và trình độ phát triển của dự án, kể cả dự án chuyển đổi cây trồng cạn. Xây dựng kế hoạch chuyên đề về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021 – 2025 nhằm có lộ trình, bước đi cụ thể trong việc củng cố và phát triển các hợp tác xã hiện có, bảo đảm hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, chú trọng vào công tác giải thích, vận động thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp theo đúng mô hình hợp tác xã kiểu mới. Mỗi xã, thị trấn phải có các mô hình hợp tác xã và tổ hợp tác. Nhân rộng các mô hình hợp tác xã làm ăn có hiệu quả. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích nổi bật trong hoạt động hợp tác xã hoặc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đem lại hiệu quả cao.

Tiếp tục củng cố và thành lập mới các Tổ thủy nông cho phù hợp với hình thức tổ chức sản xuất. Trong đó, tiến hành sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô và hình thức hoạt động của các Tổ thủy nông để làm tốt công tác thủy lợi nội đồng và sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy lợi ở địa phương và từng bước tham gia mạnh mẽ vào các khâu, chuỗi liên kết. Quy mô để củng cố và sắp xếp lại hoạt động của các Tổ thủy nông là từ 50 ha trở xuống (phù hợp với quy mô của Cánh đồng lớn), được thực hiện theo 2 mô hình: Thành lập Tổ thủy nông theo mô hình Tổ thủy nông trong hợp tác xã (Tổ thủy nông là thành viên của hợp tác xã) và Thành lập Tổ thủy nông theo mô hình Tổ hợp tác để thực hiện các hoạt động dịch vụ thủy lợi nội đồng (khi cần thiết thì phát triển lên thành Hợp tác xã). Xây dựng Đề án sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô và đổi mới hình thức hoạt động các Tổ thủy nông giai đoạn 2021 – 2025 phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tham gia mạnh mẽ vào các khâu, chuỗi liên kết trong sản xuất, hướng tới thành lập mới các hợp tác xã, phù hợp với quy mô liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về hợp tác xã và đội ngũ quản lý hợp tác xã, bảo đảm đủ kiến thức, kỹ năng trong quản lý và điều hành. Vận động, thu hút các nông dân tiêu biểu, sinh viên trẻ mới tốt nghiệp ra trường, cán bộ quản lý và khoa học kỹ thuật có kinh nghiệm đã nghỉ hưu, các doanh nghiệp, đại lý có liên quan đến dịch vụ nông nghiệp (như kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ khí nông nghiệp, vận tải, xây dựng, thủy lợi,…) tham gia.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư - quảng bá sản phẩm, gắn với thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương lên trang thông tin điện tử của huyện và các kênh liên quan khác. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, lựa chọn lĩnh vực hợp tác đầu tư phù hợp và trình duyệt các Dự án hỗ trợ liên kết theo chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm chủ lực và có lợi thế của huyện, bảo đảm khai thác có hiệu quả tiềm năng các quỹ đất của địa phương. Định hình các điểm tập kết nông sản chủ lực của huyện ở khu vực Bắc Sông (lúa gạo, hạt điều ở Bắc Ruộng) và mũ cao su ở Gia Huynh, Suối Kiết. Hình thành 2 khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại khu vực trung tâm xã Đồng Kho và khu vực ngã ba Quốc lộ 55 (Lạc Tánh).

Nâng cao vai trò quản lý của nhà nước và phối hợp vận động của đoàn thể, Mặt trận các cấp. Qua đó, làm tốt nhiệm vụ hướng dẫn và tư vấn các thủ tục hành chính về hợp tác xã, tổ hợp tác; thông tin kịp thời về chính sách hỗ trợ liên kết, tín dụng ưu đãi, các hệ thống biểu mẫu thống kê, báo cáo,... Định kỳ tham mưu báo cáo, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, đề xuất cấp trên tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn, giới thiệu khen thưởng, nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả. Ưu tiên các nguồn vốn theo quy định của Chính phủ, nhất là nguồn vốn để hỗ trợ cho các mô hình có hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia hoạt động sản xuất theo hướng cánh đồng lớn và sản xuất theo hướng hữu cơ; tranh thủ các nguồn vốn liên quan. Đặc biệt, đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, phát huy vai trò của Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp trong cầu nối chuyển giao kỹ thuật.

Muốn thành công, con người chính là nhân tố con người quyết định. Ở đây, người nông dân đóng vai trò chủ thể, quyết định mình sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi) gì, ứng dụng khoa học – kỹ thuật như thế nào, liên kết với ai, v.v... Thực tiễn cho thấy, ngày càng có nhiều nông dân trên cả nước đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và trở thành những triệu phú từ mảnh vườn, ruộng, rẫy ngay trên chính quê hương mình. Tất nhiên, họ cũng phải trải qua những tháng ngày đầy khó khăn, thử thách, vò võ trăn trở tìm hướng làm ăn thích hợp bằng việc rút kinh nghiệm từ những người xung quanh, học hỏi qua sách báo, trên mạng... để bắt tay vào làm việc chăm chỉ, chắt chiu vay mượn từng đồng vốn đầu tư, quyết tâm đổi đời như thế.


Các tin khác