TIN MỚI NHẤT

Tánh Linh triển khai tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2011

  • /
  • 22.5.2011 - 0:0

Đ

Thực hiện Quyết định số 1785/QĐ-TTg, ngày 27/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2011; nhằm thu thập thông tin cơ bản về nông thôn, nông nghiệp (cả lâm nghiệp và thuỷ sản) để phục vụ đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống của cư dân nông thôn của cả nước cũng như từng địa phương. Nghiên cứu đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung trong các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng cơ sở dữ liệu về nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu và làm dàn chọn mẫu cho các cuộc điều tra định kỳ của các năm tiếp theo.

Đây là cuộc Tổng điều tra với quy mô lớn định kỳ 5 năm một lần trên phạm vi cả nước. Để đảm bảo cuộc Tổng điều tra đạt kết quả tốt và đúng thời gian quy định theo nội dung Chỉ thị số 10/CT-UBND, ngày 13/4/2011 của UBND tỉnh Bình Thuận, Tánh Linh triển khai thực hiện Tổng điều tra theo những nội dung sau:

I. Về đối tượng, phạm vi, nội dung, phương pháp, thời điểm điều tra

1. Đối tượng và phạm vi điều tra:

- Toàn bộ các hộ gia đình trong toàn huyện, bao gồm các hộ nằm trong khu vực quốc phòng quản lý, các công trình của Nhà nước (trừ các tập thể độc thân sống với nhau của các trường học, lực lương vũ trang, các doanh nghiệp nông, lâm trường…).

- UBND các xã, thị trấn.

- Các trang trại.

2. Nội dung, phạm vi và phương pháp điều tra:

a. Nội dung:

- Nhóm thông tin về thực trạng nền sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản: số lượng đơn vị sản xuất; số lượng lao động của các đơn vị sản xuất phân theo ngành hoạt động; quy mô sản xuất; tình hình thuê, mướn, chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, tình hình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thụât trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; hoạt động trợ giúp cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; phát triển kinh tế trang trại; tiêu dùng sản phẩm nông sản, thuỷ sản chủ yếu, vai trò phụ nữ,…trong sản xuất nông lâm nghiệp và thuỷ sản; tác động của sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tới môi trường.

- Nhóm thông tin về nông thôn: số lượng và cơ cấu hộ nông thôn phân theo ngành sản xuất chính và nguồn thu nhập chính của hộ; số lượng và cơ cấu lao động nông thôn phân theo giới tính, tuổi, trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngành nghề và hình thức hoạt động; thực trạng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với bộ tiêu chí về nông thôn mới; các thông tin cơ bản về nông thôn.

- Nhóm thông tin về cư dân nông thôn: điều kiện sống của cư dân nông thôn; tích luỹ và khả năng huy động vốn, tình hình vay vốn, khả năng tiếp cận của cư dân nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn và kết quả thực hiện một số chính sách xã hội ở nông thôn.

- Nhóm thông tin phục vụ nghiên cứu về giới trong khu vực nông nghiệp và nông thôn: vai trò phụ nữ trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; tuổi; giới tính; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật của một số chức vụ lãnh đạo xã,…

b. Phạm vi điều tra:

- Điều tra toàn bộ các đơn vị trong toàn huyện đối với các nội dung: thông tin cơ bản của hộ (cả các hộ phi nông, lâm, thuỷ sản khu vực thành thị); kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật của các xã, thị trấn; thông tin về kinh tế trang trại. Không bao gồm các doanh nghiệp và hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thuỷ sản do đã được lồng ghép trong ‘Điều tra doanh nghiệp năm 2011’ của Tổng cục Thống kê.

- Điều tra chọn mẫu đối với các nội dung: vốn tích luỹ và khả năng huy động vốn của hộ ở nông thôn; hoạt động trợ giúp cho sản xuất nông, lâm và thuỷ sản, tác động của sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tới môi trường…

- Đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, điều tra thêm phiếu khảo sát tình hình cơ bản của gia đình hộ dân tộc.

c. Phương pháp điều tra:

- Lập bảng kê danh sách hộ ở các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện.

- Phương pháp áp dụng thống nhất là phỏng vấn trực tiếp để thu thập thông tin lại các đơn vị điều tra. Điều tra viên trực tiếp đến các đơn vị điều tra được phân công để thu thập những thông tin trong phiếu điều tra.

- Trong quá trình điều tra phải kiểm tra, giám sát thường xuyên để kịp thời sửa chữa, khắc phục sai sót; đồng thời đôn đốc, nhắc nhở để cuộc điều tra được tiến hành thường xuyên, liên tục và kết thúc đúng thời gian quy định. Về phúc tra được tiến hành theo tỷ lệ như phương án đã quy định làm căn cứ cho việc xử lý, phân tích số liệu điều tra.

d. Thời điểm tổng điều tra:

- Các thông tin thời điểm: lấy số liệu thực tế tại thời điểm ngày 01/7/2011.

- Các thông tin thời kỳ: Tuỳ theo chỉ tiêu và đơn vị điều tra, các thông tin thời kỳ là số phát sinh trong 12 tháng trước thời điểm điều tra hoặc số chính thức năm 2010 (quy định cụ thể trong từng loại phiếu điều tra).

II. Tổ chức thực hiện

1. Ban chỉ đạo các cấp khẩn trương chỉ đạo

- Ban chỉ đạo huyện có trách nhiệm tổ chức triển khai tập huấn nghiệp vụ cho Ban chỉ đạo và điều tra viên các xã, thị trấn; kiểm tra hướng dẫn, đôn đốc, tiến hành điều tra theo đúng phương án, biểu mẫu, đồng thời thu thập phần kết quả điều tra của cơ sở, kiểm tra, phúc tra, tổng hợp nhanh kết quả điều tra, phúc tra theo đúng phương án và hướng dẫn của Ban chỉ đạo cấp trên.

- Ban chỉ đạo xã, thị trấn tổ chức tập huấn, chỉ đạo lập bảng kê danh sách số hộ ở địa bàn mình phụ trách; tuyển chọn lực lượng trực tiếp điều tra (điều tra viên, tổ trưởng điều tra) là những người có trình độ văn hoá, am hiểu tình hình thực tế của địa phương, đã từng tham gia các cuộc điều tra trước đây. Ban chỉ đạo xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra hướng dẫn, đôn đốc, tiến hành điều tra theo đúng phương án, biểu mẫu, đồng thời thu thập phân tích kết quả điều tra của cơ sở, kiểm tra, tổng hợp nhanh kết quả điều tra, phúc tra theo đúng phương án và hướng dẫn của Ban chỉ đạo cấp trên.

2. Phòng Văn hoá và Thông tin, Đài Truyền thanh - Truyền hình:

Căn cứ vào kế hoạch triển khai cụ thể của thường trực Ban chỉ đạo huyện ở từng giai đoạn để xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến một cách chi tiết về thời gian, địa điểm, hình thức, nội dung, đối tượng tuyên truyền,… Làm sao việc tuyên truyền, phổ biến phải dễ hiểu, rộng khắp nhằm vận động mọi ngưòi dân tham gia hưởng ứng tích cực cuộc Tổng điều tra.

3. Chi cục Thống kê:

- Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện phương án Tổng điều tra cụ thể, đảm bảo đạt yêu cầu mục đích và tiến độ thời gian của cuộc Tổng điều tra do Trung ương quy định.

- Chủ trì phối hợp cùng Phòng Tài chính - Kế hoạch xây dựng dự trù kinh phí cho phần mở rộng phạm vi điều tra, phiếu điều tra thêm và khâu xử lý tổng hợp, in ấn, kết quả điều tra, làm đĩa DVD và xuất bản các chuyên đề phân tích số liệu, các ấn phẩm…, trình Uỷ ban nhân dân huyện xem xét phê duỵêt và bố trí kinh phí thực hiện.

4. Văn phòng HĐND và UBND huyện bố trí hội trường cho Ban chỉ đạo huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra cho Ban chỉ đạo xã, thị trấn và điều tra viên, tổ trưởng điều tra.

III. Thời gian tổ chức, triển khai thực hiện

1. Việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ thường trực giúp việc các cấp hoàn thành trước tháng 3/2011.

2. Từ tháng 3 đến tháng 5/2011:

- Rà soát, cập nhật, xác định địa bàn điều tra và lập bảng kê các đơn vị điều tra;

- Tập huấn cho Ban chỉ đạo Tổng điều tra huyện và các xã, thị trấn;

- Tuyển chọn điều tra viên và tổ trưởng.

3. Trong tháng 6/2011:

- Tập huấn cho Ban chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã, tổ trưởng điều tra và điều tra viên;

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về cuộc Tổng điều tra;

- Cập nhật địa bàn và đơn vị điều tra (hộ và trang trại) phát sinh sau thời điểm lập bảng kê.

4. Từ tháng 7 đến tháng 11/2011

- Triển khai thu thập số liệu từ ngày 01/7/2011 và kết thúc khâu thu thập số liệu trước ngày 16/7/2011 đối với các đơn vị điều tra toàn bộ, trước 31/7/2011 đối với đơn vị điều tra mẫu;

- Kiểm tra giám sát thu thập thông tin tại địa bàn;

- Phúc tra số hộ đối với phiếu 01/TĐTNN-HO với tỷ lệ do trung ương quy định;

- Tổng hợp các chỉ tiêu chủ yếu;

- Tổ chức nghiệm thu (các xã, thị trấn, huyện).

Giao Chi cục Thống kê huyện chủ trì, phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các ban ngành có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nội dung này./.

                                                                                                                Đ.V.M.


  • |
  • 849
  • |

Các tin khác