Qua phong trào, đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương hội viên nông dân vượt khó thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong đó có tấm gương chị Nguyễn Thị Lượm ở thôn 8 xã Gia An. Từ khi chị lập gia đình cho đến nay, vợ chồng anh chị sinh sống bằng nghề nông. Lúc đầu gia đình chị làm nông từ ở nông trường La Ngà- Tánh Linh cho đến khi nông trường không còn nữa, gia đình chị về sống tại thôn 8, xã Gia An với 25 sào đất, vợ chồng anh chị hàng ngày dãi nắng, dầm sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trờ, nhưng vẫn khó khăn trong cuộc sống, các con của anh chị cũng lần lượt ra đời, khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Không chấp nhận số phận, với tố chất không ngại vất vả, vợ chồng anh chị làm mọi thứ từ việc trồng lúa, trồng màu, chăn nuôi đến việc làm đất, suốt lúa, vận chuyển lúa thuê bằng máy cày…để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Với phương châm “Lấy công làm lời, sống tiết kiệm”, vợ chồng chị dành dụm tích lũy có được bao nhiêu vốn đều tập trung mua đất liền kề diện tích để canh tác. Sau nhiều năm tích góp, đến nay gia đình chị đã có 7,5 ha ruộng, 0,4 ha đất màu. Để tăng năng suất, chất lượng, chị đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng”, sản xuất lúa “Chất lượng cao” theo chương trình trọng tâm của huyện …nên năng suất lúa bình quân đạt từ 6 – 7 tấn/ha. Riêng đất màu, chị đã luân phiên trồng các loại cây mè, đậu và trồng rau sạch để cung cấp cho gia đình.
Không chỉ có vậy, gia đình chị đã tận dụng ao bào bỏ trống xung quanh đồng ruộng để nuôi cá nước ngọt, lấy giống cá Thát Lát tại Hậu Giang nuôi để xây dựng mô hình “Tận dụng ao bàu bỏ trống nuôi cá nước ngọt”. Năm đầu tiên chị thả 1000 con nuôi thí điểm do chưa có kinh nghiệm dẫn đến thất bại tìm ra nguyên nhân để khắc phục. Tiếp tục năm thứ 2 chị nuôi 2000 con, kết quả thu hoạch có lãi, chị đã tiếp tục đầu tư phát triển nuôi cá nước ngọt. Hiện nay, với diện tích ao hồ là 4.000 m2, chị đã thả 6.000 con cá con. Để lấy công làm lời, quá trình nuôi cá, cung cấp thức ăn chính từ nguồn cá tạp tại Biển Lạc, hàng ngày chị đi mua cá vụn, cá nhỏ ở vùng Biển Lạc xã Gia An để xay hoặc băm nhỏ cho cá ăn, chị cho biết “thức ăn cá Thác Lác đặc biệt chỉ là cá con không ăn cám tổng hợp”, thời gian nuôi cá là 7 tháng, mỗi con cân nặng từ 3 lạng đến 5 lạng, kết quả đã bù đắp lại cho gia đình chị đã thu hoạch được 0,5 tấn cá, giá 90.000 đồng/kg, tổng thu nhập từ nuôi cá, đã trừ chi phí, lợi nhuận được 20 triệu/năm. Như vậy, mỗi năm lợi nhuận từ trồng lúa, màu và nuôi cá nước ngọt trên 400 triệu đồng, đời sống gia đình chị khá ổn định
Chị Nguyễn Thị Lượm, không những làm kinh tế giỏi mà chị còn năng nổ tham gia sinh hoạt các chị em phụ nữ, nông dân, luôn nhiệt tình hướng dẫn cho bà con nông dân địa phương trong sản xuất, chăn nuôi để thoát nghèo, luôn thể hiện tinh thần đoàn kết tình làng, nghĩa xóm, tích cực tham gia các phong trào thi đua “Nông dân SXKD giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”. Gia đình chị hàng năm hướng dẫn và phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi cho hơn 20 hộ gia đình, đồng thời giúp đỡ mượn vốn hơn 50 triệu đồng không lấy lãi cho 10 hộ khó khăn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm không thường xuyên cho 5 lao động. Gia đình chị còn giúp 10 kg gạo hàng tháng cho 01 gia đình chính sách ở xã Đức Bình cho đến khi qua đời. Chị luôn gương mẫu cùng gia đình vận động nông dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, thực hiện nếp sống văn minh, hưởng ứng cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Gia đình chị nhiều năm liền được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đặc biệt là được công nhận đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi” cấp huyện hàng năm.
Chị Nguyễn Thị Lượm là tấm gương sáng vượt khó làm giàu, trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”,trong nhiều gương điển hình mà hội phát động đem lại hiệu. Qua đó, góp phần đáng kể vào tiến trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương Tánh Linh ngày càng phát triển.