Đã 70 tuổi đời, ông Trần Văn Rai, dân tộc Rai, thôn Đồng Me, xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh đang cố gắng luyến láy tiếng Kèn Bầu cho chúng tôi thưởng thức. Hai năm nay do dịch bệnh Covid-19 hoành hành, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội của địa phương cũng không tổ chức được nên ông không có dịp để trổ tài.
Ông Rai cho biết, từ nhỏ đã rất hứng thú với loại kèn này, rồi tự mày mò học thổi. Một đêm nọ nằm chiêm bao thấy một ông già râu tóc bạc phơ nói với ông rằng con hãy học thổi Kèn Bầu, hay lắm. Từ đó, đam mê càng lớn hơn, ông quyết tâm thổi bằng được loại nhạc cụ này. Thế nhưng khổ nổi gia đình không có Kèn lại không có người chỉ dạy. Ấy vậy ông lân la nhà người khác có Kèn mượn nhờ và tự mày mò học. Cứ thế kiên trì tập luyện, dần dần đã biết điều tiết âm sắc phù hợp. Mỗi khi thôn, xóm có tổ chức van hóa văn nghệ, ngày hội đại đoàn kết dân tộc ông Rai lại đến vừa để chung vui vừa chú ý quan sát học hỏi kỹ năng của người thổi Kèn Bầu. Thời gian trôi qua ông thổi kèn hay hơn và có nhiều dịp để biểu diễn hơn.
Bây giờ, trong làng này ông là người già nhất còn biết thổi loại Kèn Bầu. Các năm trước, mỗi khi trong làng có lễ hội là dịp tiếng Kèn Bầu của ông Rai được cất vang. Thi thoảng ông còn được người ta nhờ đi thổi Kèn và được trả tiền ông rất vui. Có khi thổi cả ngày rất mệt. Chiếc Kèn Bầu ông đang lưu giữ là ông mua từ trước chứ ông không làm được. Để làm được một chiếc Kèn Bầu là một quá trình công phu, tỉ mẩn. Vừa nói vừa đưa cho tôi xem chiến Kèn Bầu và chậm rãi nói về cấu tạo của nó. Kèn gồm có một quả bầu khô đã lấy sạch ruột có kích thước vừa phải, ở hông quả bầu được khoét sáu lỗ dùng để lắp sáu ống tre nứa vào và chia thành hai hàng, trên bốn, dưới hai theo thang âm quy chuẩn trao truyền. Trong mỗi ống nứa có gắn một cái "lưỡi gà" để tạo độ rung. Khâu này rất quan trọng và khó nhất, bởi nó quyết định âm sắc. Cuối cùng mới gắn sáu ống nứa vào quả bầu và dùng sáp ong hàn kín. Tuy cấu tạo đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được nên Kèn Bầu có giá thành khá cao, mỗi cái được bán với giá cả một triệu đồng. Theo ông Rai hiện nay trong làng chỉ có 2 người biết làm và biết thổi loại kèn này.
Giờ đây tuổi đã cao lâu lâu ông lại lấy kèn ra thổi những điệu nhạc xưa cho gia đình, con cháu nghe. Ông mong muốn được truyền dạy việc thổi kèn bầu lại cho con cháu. Nhưng con cháu ông học mãi vẫn chưa thành.
Tiếng kèn bầu giống như tiếng lòng của mỗi người con dân tộc Rai nơi đây. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp lưu giữ, bảo tồn và phát triển loại nhạc cụ này trong giới trẻ thì có khả năng trong tương lai không xa tiếng kèn bầu sẽ bị mai một dần. Đây cũng là điều mà ông Rai đang lo lắng, trăn trở.