Tham dự có đại diện các ngành chức năng của tỉnh. Ở huyện ta có đồng chí Phạm Sơn, PBT TT Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Lưu Đức Vinh, PCT UBND huyện; lãnh đạo Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn; đại diện cán bộ khuyến nông các xã, thị trấn; đông đảo bà con nông dân các xã, thị trấn trong toàn huyện.
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trong vụ mùa năm 2017, trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận phối hợp với Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tánh Linh và xã Đức Phú triển khai dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Nam” tại cánh đồng La Ngà thuộc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Đức Phú, với tổng diện tích 50 ha/ 85 hộ nông dân tham gia. Những hộ tham gia mô hình được tập huấn về canh tác lúa theo phương pháp 3 giảm 3 tăng; hướng dẫn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác. Giống lúa thực hiện mô hình là giống Đài thơm 8 và giống lúa Phú Quý cấp xác nhận. Làm đất theo quy trình kỹ thuật được hướng dẫn; làm mạ bằng khay; cấy lúa bằng máy cơ giới; bón phân theo 5 đợt và một đợt bón lót trước khi cấy; Chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và hữu cơ vi sinh. Quản lý dịch hại theo nguyên tắc “4 đúng”. Trong quá trình canh tác lúa hữu cơ sử dụng các chế phẩm sinh học và phân hữu cơ orgagro nên lúa từ khi cấy đến bông lúa chín sữa hầu như không có bệnh hại, lá xanh mướt, tươi bền. Tuy nhiên, ở giai đoạn chín sáp xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông, đốm nâu nhưng mức độ thấp. Một số diện tích cấy muộn trong giai đoạn chín sữa – chín sáp có xuất hiện đạo ôn cổ bông và đạo ôn lá nhưng nông dân không dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Qua hạch toán, tổng chi trong mô hình cao hơn ngoài mô hình gần 3 triệu đồng/1ha; năng suất ngoài mô hình cao hơn trong mô hình 0,8tấn/1ha. Tuy nhiên giá bán trong mô hình 11.000đồng/1kg cao hơn gấp đôi giá lúa ngoài mô hình. Do đó, lợi nhuận trong mô hình cao hơn ngoài mô hình hơn 2,7 triệu đồng/1ha. Ngoài lợi nhuận về kinh tế, mô hình cón giúp nâng cao nhận thức của người dân mạnh dạn thay đổi tập quán, áp dụng cac kỹ thuật tiên tiến trong canh tác lúa. Sử dụng thuần tuý phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học mặc dù năng suất không cao nhưng chất lượng gạo tốt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kinh đảm bảo cho việc phát triển nông nghiệp bền vững