Vị trí Thác Bà thuộc xã Đức Thuận, nằm trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Núi Ông huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Khu vực xung quanh Thác Bà là quần thể động thực vật đa dạng, phong phú và quý hiếm. Thực vật có 550 loài, động vật có 232 loài. Nhiều cây gỗ to, tròn, vươn thẳng như xếp hàng. Có những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi đứng uy nghiêm trầm mặc. Có những cội mai nở hoa trên ghềnh đá, những tán bằng lăng nằm sóng xoài vươn ra ghềnh thác, trổ hoa tím rực rỡ cả mùa hè. Có những đàn bướm dập dờn như muốn làm quen. Có tiếng vượn hú, chim kêu, v.v… Thành thật không cường điệu, dù đã phai dấu hoang sơ thuở nào.
Thác Bà có 9 tầng, mỗi tầng cao từ 15 - 25m. Mỗi tầng thác đổ xuống đều có hồ nước bên dưới, trong vắt, mát lành, tung bọt trắng xóa, trông đẹp như tranh thủy mặc. Mỗi tầng thác có khoảng cách không gần, phải trèo lên những ghềnh đá cheo leo, trơn trợt, khó đi, chinh phục đầy mạo hiểm. Rất ít người đi đủ 9 tầng thác. Thông thường, du khách chỉ đến tham quan 3 tầng thác đầu tiên, gọi là Thác Một, Thác Hai và Thác Ba. Hơn nữa, đa số cũng chỉ dừng lại ở Thác Một để vui chơi, ngắm cảnh, tắm… và tổ chức ăn uống trên những phiến đá lớn dọc theo triền thác. Thác Ba có một hồ nước khá rộng, giữa hồ có tảng đá lớn hình bầu dục nổi lên cách mặt nước khoảng 5 – 10 cm, trông như hòn đảo nhỏ bị chìm, người tắm thường bơi ra đó ngồi đạp nước. Đặc biệt, Thác Ba có cột nước cao khoảng 15m, đứng dưới nhìn lên cứ ngỡ như cột nước ấy sinh ra từ “cổng trời”.
Hầu như ngày nào cũng có người vào “ngao du sơn thủy” ở thác, dù nắng hay mưa, nhất là vào những ngày cuối tuần, những dịp nghỉ lễ. Đặc biệt, vào những ngày đầu xuân năm mới, có hàng vạn du khách thập phương tìm đến Thác Bà để tổ chức gặp gỡ, vui chơi, vãn cảnh, ăn uống, hát hò, thư giãn, khám phá, tắm rửa “bụi trần” để lấy may mắn đầu xuân, v.v...
Tại Quyết định số 704/QĐ-UBND ngày 10/3/2009, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt Dự án du lịch Thác Bà, bao gồm các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tham quan thác, hệ sinh thái rừng tự nhiên; du lịch tắm thác, thể thao, leo núi, các trò chơi trên thác, xe đạp địa hình; du lịch mạo hiểm, khám phá, câu cá, công viên rừng sinh thái; du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc; du lịch “về nguồn”, du lịch nghiên cứu…
Ngoài Thác Bà, Tánh Linh còn có hệ thống thác nước kỳ thú, như Thác Mai, Thác Trượt, Thác Đầu Trâu, Thác Mưa Bay, v.v... Đặc biệt là những cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ và hoang sơ ở Núi Ông, Biển Lạc, sông La Ngà, hồ Tà Pao, hồ Hàm Thuận – Đa Mi, đèo Tà Pứa. Đồng thời, Tánh Linh còn có Quảng trường Chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng là di tích lịch sử quốc gia, cùng với những đặc sản nổi tiếng một thời “cá Biển Lạc, gạo Đồng Kho”, cũng như rất nhiều sản vật phong phú của mảnh đất “ngã ba đường”, nơi tiếp giáp cả ba vùng cực Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
Hiện địa phương đang có chính sách thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển du lịch theo quy hoạch: Quần thể du lịch về nguồn, kết hợp với du lịch sinh thái nghĩ dưỡng Thác Bà; quần thể du lịch sinh thái Biển Lạc; quần thể du lịch sinh thái và tâm linh hồ Tà Pao; quần thể du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng hồ Hàm Thuận – Đa Mi. Riêng Quảng trường Chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng đã được Chính phủ đầu tư, giao cho chính quyền địa phương quản lý, tạo thành một trong những nơi hành trình về nguồn lý tưởng cho tất cả những ai quan tâm đến lịch sử kháng chiến của Bình Tuy, Bình Thuận và cả Khu VI./.
HỘI VĂN KHOA