Phần một
TRUYỀN THUYẾT THÁC BÀ VÀ GIA ĐÌNH THẦN THÁNH
Tương truyền, có một đỉnh núi cao quanh năm mây mù che phủ, đường thông lên trời. Người xưa muốn tìm đến nhưng chưa ai tới được. Càng lên cao ánh sáng cứ như bị bóng tối hút mất, âm u và tĩnh mịch, chẳng khác nào bước vào chốn mê cung rùng rợn, oai hùng. Rừng thiêng nước độc. Biết bao loài thú dữ rình rập trêu ngươi như hổ, báo, gấu, voi, lợn lòi, trâu, bò, trăn, rắn, đười ươi... Biết bao ký sinh trùng có thể hút máu hoặc gieo rắc dịch bệnh để cướp đi sinh mạng con người. Có lẽ tạo hoá đã đúc hun ra vạn vật tương sinh tương khắc, địa hình thâm nghiêm hiểm trở, để làm chồn chân mỏi gối, cảnh báo con người không bao giờ được phép đặt chân tới chốn linh thiêng của các vị thần. Những người hiểu chuyện, vì thế, cũng không bao giờ dám nghĩ đến việc trèo lên đỉnh núi. Họ bảo nhau rằng: “Đường lên đỉnh núi còn khó hơn cả đường lên trời”!
Trên đỉnh núi là nơi hội ngộ của một gia đình thần thánh, vốn dòng dõi thần tiên bất tử ở Thiên đình. Vị nam thần là quan Đại Thánh cai quản Cung Chính Điện của Ngọc Đế. Vị nữ thần tên là Hoa Tiên, cai quản dòng Thiên Thủy. Theo quy định, nữ thần cai quản dòng nước thiêng của trời không bao giờ được phép yêu đương và lập gia đình với bất kỳ vị thần tiên hay con người, để dòng nước trời mãi mãi là nguyên khí tinh khiết và thiêng liêng nuôi dưỡng sự bất tử của thế giới thần linh.
Thế nhưng, Đại Thánh và Hoa Tiên đã phải lòng nhau trong một lễ hội do Ngọc Đế tổ chức tại cung chính điện. Vì quá yêu thương nhau, lại sợ vi phạm quy định cõi tiên, nên họ bèn xin Ngọc Đế cho xuống hạ giới để chung sống như con người. Bẵng đi một thời gian, Ngọc Đế bận trăm công nghìn việc nên vẫn chưa cho ý chỉ, họ đã cho ra đời một thiên thần nhỏ. Cõi thiên đình xì xầm luận tội. Nếu xét xử theo luật trời thì đáng lẽ họ phải bị đoạ đày xuống chín tầng địa ngục, nhưng lúc bấy giờ trần gian đang kêu cứu, lại xét công trạng và sự hy sinh to lớn của họ bấy lâu nay, nên Ngọc Đế cho phép họ xuống làm nhiệm vụ ở trần gian, với sứ mệnh chăn dắt sinh linh vạn vật một vùng rộng lớn, đặc biệt là chăm lo cho đồng bào các dân tộc sống quần cư quanh những xóm làng nhỏ bé ven rừng. Tuy phép tiên vẫn còn, nhưng họ sẽ phải chết khi về già hoặc khi ốm đau bệnh tật, đợi sau khi đầu thai mới được lên thiên đình trở lại cõi thần tiên và bất tử.
Xuống trần gian, họ tạo thành một gia đình gồm cha, mẹ và con. Vị thần cha cư ngụ nơi ngọn núi cao nhất, có sứ mệnh hài hoà giữa trời đất với thần linh và con người, làm cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Vị thần mẹ ở ngọn núi thấp hơn gần đó, có sứ mệnh chăm lo cho vạn vật sinh sôi nảy nở không ngừng, con người ấm no, hạnh phúc. Vị thần con ở phía đông, có sứ mệnh chăm sóc sức khoẻ và đời sống tinh thần của con người.
Để tỏ lòng tôn kính, dân chúng gọi vị thần cha bằng Ông, vị thần mẹ bằng Bà, vị thần con bằng Cậu. Chính vì thế, ngọn núi mà vị thần cha ở được gọi là núi Ông, ngọn núi mà vị thần mẹ ở gọi là núi Bà, khu vực phía Đông nơi vị thần con cư ngụ được gọi là Dinh Cậu.
Ông – Bà – Cậu, mỗi người ở một nơi và làm một nhiệm vụ riêng, hàng năm chỉ hội ngộ với nhau một tuần trăng, trên đỉnh núi cao nơi Ông cư ngụ. Đó là khi trời đất vào xuân, những đêm hanh thông trong vắt, vòm trời cao vời vợi, tinh tú chong đèn, bốn bề trăng thanh gió mát… Mọi người sẽ nghe văng vẳng từ trên đỉnh núi vọng xuống khắp các ngôi làng tiếng hát thánh thót, tiếng cồng chiêng rộn ràng, tiếng chày giã thậm thình, tiếng nói cười lanh lảnh. Thỉnh thoảng lại xen lẫn từng hồi vượn hú, chim kêu, gà gáy, voi rống, hổ gầm… như một dàn hợp âm ca khúc khải hoàn. Đó là lúc các vị thần gặp nhau, chuyển thông điệp tới thiên đình rồi sinh hoạt lễ hội tưng bừng thâu đêm. Muôn loài muông thú cũng quy phục về mừng hội.
Mỗi sáng, dân chúng trong vùng thức dậy đi làm, ai ai gặp nhau cũng chỉ thể hiện sự tôn kính và ngưỡng mộ qua ánh mắt với gật gù, không ai dám nói với ai một lời nào về chuyện của các vị thần. Đợi bình binh ngày mới sau tuần trăng thiêng, khi mỗi vị thần đã toả ra đi làm nhiệm vụ, thì mọi người mới có dịp trò chuyện bên nhau, bàn tán xôn xao, rồi nguyện cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Mặc dù ai cũng tò mò, muốn lên tận đỉnh núi để tìm xem dấu vết, nhưng vì lòng kính sợ mà an ủi nhau bằng câu: “Đường lên đỉnh núi còn khó hơn đường lên trời!”.
Thời gian trôi đi đằng đẵng, không biết đến đời nào, và chẳng hiểu vì sao, tương truyền trời đất đổi thay, “biển lạc vào rừng, rừng vây lấy biển”, vị thần Cậu đi mãi chẳng về. Đáo hạn tuần hội ngộ mùa xuân năm ấy, trăng tròn rồi khuyết, Ông – Bà không hát, cồng chiêng không kêu, cối chày không giã, muông thú âm thầm, bặt không một tiếng nói cười. Cả vùng tĩnh mịch trong những đêm trăng bàng bạc lạnh lùng. Âm thanh, ánh sáng, sắc màu dường như tan biến.
Từ đó, Ông với Bà cũng ít gặp nhau hơn. Ông buồn bã ở mãi trên đỉnh núi đánh cờ với những bạn tiên từ trời xuống thăm. Bà ở núi bên kia phiền lòng ít qua lại. Một lần nọ, tiên dẫn Ông lên vườn Thượng Uyển hầu cờ Ngọc Đế. Bà sang không gặp. Ông mải mê chơi với tiên trên trời không biết. Bà mòn mỏi đợi chờ. Một ngày trên trời bằng mười năm dưới hạ giới. Bà đợi cho đến khi tóc bạc trắng như mây, dài như dòng suối. Hôm Ông trở về thì Bà đã hoá đá, tóc xoã xuống thành dòng nước trắng phau bên sườn núi. Thương nhớ người vợ hiền chung thuỷ, nước mắt Ông chảy tràn như ngọn nguồn của sông suối, đổ xối xả, hoà vào dòng nước vốn sinh ra từ mái tóc của Bà. Con suối nhỏ bỗng trào dâng, cuộn chảy ừng ực thành dòng thác lớn, vươn mình uốn lượn sóng xoài, có lúc sụt sùi khắc khoải, có lúc xô nghiêng rồi vỡ oà, nhào lộn qua bao ghềnh đá cheo leo. Cứ thế, Ông che chở Bà mãi cho đến khi hoá thân vào ngọn núi để ngày đêm ôm ấp dòng thác muôn đời. Thác Bà sinh ra từ đó.
Phần hai
SỬ XANH HUYỀN THOẠI KHẮC TRUYỀN
Các thế hệ con cháu về sau chẳng bao giờ được vọng kiến sự hội ngộ thần thánh của gia đình Ông – Bà – Cậu nữa. Cũng chẳng còn tuần trăng lễ hội năm nào. Trên đỉnh núi cao mây mù dần tan ra, không ngưng tụ thường xuyên nữa. Đường đi lên núi Ông ngày càng quang đãng và bớt huy nghiểm hơn. Ở sườn Đông, người ta còn thấy dấu tích mộ đá của Cậu bên đường. Người dân bản địa có dịp lên núi, đi qua nơi này, đều bày tỏ lòng thành kính bằng việc đặt thêm một hòn đá vào Dinh Cậu.
Những tuần trăng lễ hội mùa xuân là biểu tượng cho cuộc sống tràn đầy sự sáng tạo, sung mãn, no ấm, hạnh phúc mà “gia đình thần thánh” để lại cho nhân gian. Sự tích Núi Ông, Núi Bà, Thác Bà, Dinh Cậu có dụng ý nhắc nhở con người phải biết vun đắp cho cuộc sống gia đình hoà thuận, thuỷ chung son sắt. Và sự hội tụ của Ông – Bà – Cậu là một thông điệp đoàn viên, với những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, ngụ ý con người cần phải trân trọng, nâng niu, gìn giữ.
Dân gian truyền miệng với nhau rằng Cậu đã được Ngọc Đế bí mật gọi về Trời để cai quản Cung Chính Điện thay cha năm xưa. Sau đó, Ngọc Đế lại bí mật gọi Bà về Trời để cai quản cung nữ bên cạnh Thiên Hậu. Và cuối cùng, Ông được Ngọc Đế gọi về cai quản vườn Thượng Uyển để ngày ngày hầu cờ với Ngài.
Kể từ đó cho đến nay, đã thành tập quán, hàng năm dân chúng địa phương (đồng bào dân tộc Rai, Chăm) vẫn tổ chức lễ cúng Ông – Bà – Cậu vào dịp tháng 3 âm lịch, để vừa tưởng nhớ “gia đình thần thánh”, vừa để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sử sách còn ghi:
“Điều lạ là mọi vật tế lễ ở Dinh Cậu đều có số 7: 7 dê, 7 gà, 7 trứng, 7 mâm cơm, 7 mâm thịt, 7 ché rượu cần… Ngày tháng trôi qua, các cụ bô lão dần vắng bóng, câu chuyện Ông Bà Cậu cũng rơi vào quên lãng, nhưng núi Ông, núi Bà, dinh Cậu thì vẫn còn mãi với non nước trời mây và ký ức nhiều lớp người. Trên đỉnh ngọn 1024m còn di tích đền thờ Ông. Dinh Cậu vẫn còn bên đường láng dầu qua khu rẫy Mắc Cỡ thôn Thuận. Núi Bà, đèo Bà, thác Bà vẫn là những địa danh, thắng cảnh còn mãi với thời gian. Phải chăng đây là một sự tích có thật với đền thờ Pô Rum Chớ có các sắc phong thần, thanh kiếm… còn giữ gìn ở xóm Chăm Nhỏ ngày nay?
Khoảng giữa thế kỷ XX, trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào các dân tộc trong vùng bị dồn vào các “ấp chiến lược”. Vị Bí thư Huyện uỷ lúc bấy giờ đã vận động được 80 người về lại xóm làng cũ ở căn cứ. “Trong một đêm tối trời, bà con đi cùng cán bộ, vượt qua dãy núi Ông. Sáng ra khi được báo tin, địch không sao lần ra dấu vết. Hỏi dân trong ấp, họ chỉ lên đỉnh núi Ông mây mù bao phủ bảo rằng “Người ta đã lên đỉnh về bên kia núi rồi”. Địch không tin, chúng không hiểu nổi làm sao số người đó, có cả người già, phụ nữ, trẻ em mà vượt qua được đỉnh núi cao mờ mịt đó?”…”
Bây giờ núi Ông vẫn là ngọn núi cao nhất trong vùng, với dòng thác Bà xối xả ngày đêm, và lưng chừng phía đông là Dinh Cậu. Trên đỉnh núi còn in dấu tích một bàn cờ đá, tương truyền đây chính là nơi Ông đánh cờ với các vị tiên khi xưa. Ngọn núi Bà tuy khiêm tốn hơn, song vẫn đứng sừng sững một góc trời, bên cạnh núi Ông hùng vĩ. Ngày nay, Thác Bà là điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của người dân bản địa và du khách thập phương mỗi khi có dịp về Tánh Linh./.
Theo Tánh Linh - Truyền thống đấu tranh cách mạng (1945 – 1975), 2002.
HỘI VĂN KHOA