Ở bài trước, BBT đã điểm qua 11 kết quả nổi bật trên lĩnh vực kinh tế – xã hội được các cấp, các ngành nhất trí cao. Trước khi trao đổi về định hướng phát triển trong thời gian tới, BBT xin tóm tắt 9 khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương tiếp tục ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển chung của huyện, đó là:
Một, Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hai, Thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách còn khó khăn. Việc liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp chưa nhiều; sản phẩm chất lượng cao còn ít; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; sự tham gia, đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.
Ba, Công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, khoáng sản, lâm nghiệp có lúc, có nơi, có việc chưa chặt chẽ. Một số vấn đề xã hội, nhất là tệ nạn ma túy chưa được giải quyết kịp thời, triệt để. Trật tự xã hội từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân chưa được thường xuyên, thiếu nhân lực để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra hành nghề y dược tư nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bốn, Cải cách thủ tục hành chính chuyển biến chậm, có mặt chưa đáp ứng sự hài lòng của người dân; nhiều thủ tục hành chính giải quyết trễ hạn, để người dân phải đi lại nhiều lần; các chỉ số CCHC (Par Index, Chỉ số PAPI, Chỉ số SIPAS...) chưa cao.
Năm, Việc xây dựng và thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đất đai.
Sáu, Tỷ lệ hộ nghèo của huyện tuy đảm bảo tiến độ đề ra, song vẫn còn cao (5,04%), trong khi tỷ lệ giảm nghèo hằng năm còn chậm (khoảng 0,7- 1%).
Bảy, Hiện nay, huyện mới đạt 2/9 tiêu chí, từ nay đến năm 2025, cần phải thực hiện đạt thêm 7/9 tiêu chí, với tổng số 33 tiểu tiêu chí cần phải thực hiện. Đáng lưu ý là tiểu tiêu chí 5.1 (Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn quốc gia) vẫn còn chưa có kế hoạch, lộ trình cụ thể; tiến độ xây dựng cơ sở vật chất chậm; đội ngũ bác bỹ chưa đảm bảo... Các tiêu chí về trường học đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ lao động qua đào tạo tuy có nhiều cố gắng, bám sát tiến độ đề ra, song chất lượng chưa cao; chưa chủ động phối hợp xây dựng 2 trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch.
Tám, Tiến độ xây dựng các xã đạt chuẩn nông mới và nâng thôn mới nâng cao còn có mặt khó khăn, nhất là các tiêu chí, tiểu tiêu chí mang tính tổng hợp, như: thu nhập, quốc phòng – an ninh và xây dựng hệ thống chính trị... có mặt còn thiếu bền vững.
Chín, Việc xây dựng thị trấn Lạc Tánh đạt chuẩn văn minh đô thị chuyển biến còn chậm, bộ mặt chưa khởi sắc.
Từ nay đến cuối năm 2025, Tánh Linh phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thông mới, bao gồm 12/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Gia An, Bắc Ruộng) và thị trấn Lạc Tánh đạt chuẩn đô thị văn minh. Đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện nhà, tạo thế và lực mới cho nhiệm kỳ tiếp theo. Nhận thức đúng và quyết tâm hành động hiệu quả là hành trang đi đến đích tốt nhất, với các vấn đề cụ thể là:
1. Phát triển bền vững cơ cấu nông lâm nghiệp - công nghiệp - dịch vụ, với những cách làm và bước đi thích hợp, có trọng tâm, trọng điểm để tạo “cú hích”, khâu đột phá đi lên; phân bổ hợp lý các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đồng thời khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” và khắc phục những yếu kém, khuyết điểm; bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, v.v...
2. Huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi; hạ tầng các cụm công nghiệp những nơi có điều kiện; thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng du lịch sinh thái. Quan tâm triển khai đạt hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo quy định.
3. Triển khai quyết liệt hơn nữa việc thực hiện cơ cấu lại kinh tế, tập trung vào 3 “trụ cột”: (1) Cơ cấu lại đầu tư, nhất là đầu tư công; (2) Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; (3) Cơ cấu lại ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với quy hoạch và điều chỉnh các cụm công nghiệp để thủ hút đầu tư.
4. Công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh tại địa bàn, đơn vị, trên các phương tiện thông tin đại chúng để định hướng cho doanh nghiệp đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế của huyện. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo các chương trình, dự án... Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị nhà nước, trong quy hoạch, xây dựng, quản lý, giám sát, vận hành, khai thác đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục duy trì mối liên hệ thường xuyên với các nhà đầu tư để kịp thời nắm bắt, giải quyết những vướng mắc, khó khăn gặp phải trong quá trình đầu tư, gắn với chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan nhằm hỗ trợ, tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
5. Tập trung xử lý các tồn tại đang còn vướng mắc để sớm triển khai thực hiện các thủ tục đất đai đối với người đang sử dụng đất. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý đất đai, khoáng sản, trật tự xây dựng; thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động khai thác khoáng sản, quản lý, bảo vệ rừng; kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, không để các điểm nóng, nổi cộm xảy ra.
6. Tích cực thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở địa phương. Chủ động rà soát, quy hoạch, sắp xếp, xây dựng, trang bị cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành giáo dục. Ngành y tế thường cần phải thường xuyên chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực quản lý, cung cấp dịch vụ y tế; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; quan tâm đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn gắn với phong trào rèn luyện tốt về y đức, y thuật; thu hút bác sĩ về địa phương. Khuyến khích và huy động các nguồn lực xã hội để phát triển mạng lưới y tế ngoài công lập.
7. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu. Duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân ở cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn huyện.
8. Quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, vận động nhận phụng dưỡng và hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và lồng ghép các nguồn vốn để giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững. Đảm bảo bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em...
9. Thực hiện cải cách hành chính toàn diện, hiệu quả, nâng cao các chỉ số, gắn với gia tăng tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành các cấp; tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục còn rườm rà, phức tạp và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các cá nhân trong cơ quan quản lý nhà nước; tiếp tục đầu tư, nâng cấp Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã theo hướng hiện đại. Phấn đấu tỷ lệ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước hàng năm trên 85%; giải quyết kịp thời, đúng quy định các ý kiến phản ánh, kiến nghị, đơn thư, khiếu nại, tố cáo... của công dân.
10. Tiếp tục củng cố, tăng cường công tác quân sự, quốc phòng địa phương cấp huyện, xã. Thực hiện việc gọi công dân nhập ngũ đúng quy trình, tổ chức giao quân đạt 100% chỉ tiêu giao; chủ động làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tổ chức trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ các trọng điểm, cao điểm; tổ chức tuần tra, quản lý chặt chẽ địa bàn, giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến ANTT ngay tại cơ sở, không để phức tạp, kéo dài, không để xảy ra “điểm nóng”, chủ động trong mọi tình huống...
(Phần tiếp theo – Bài 3: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trọng sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả)
P/s: Bài viết được biên soạn theo nội dung Báo cáo số 445-BC/HU, ngày 6/6/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa IX) về Sơ kết, đánh giá giữa nhiệm kỳ về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.