TIN MỚI NHẤT

GIẢI PHÓNG TÁNH LINH – NHỮNG MỐC SON LỊCH SỬ

 Là một huyện Trung du miền núi ở cuối dãy Trường Sơn, Tánh Linh có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng của tỉnh Bình Thuận và cực Nam Trung Bộ. Đây là cái nôi của phong trào nổi dậy cướp chính quyền đầu tiên của tỉnh Bình Thuận cũng như của vùng cực Nam Trung Bộ. Tánh Linh có vị trí là vùng lợi thế quân sự vững chắc, đầu mối liên lạc, chuyển tải vũ khí, đạn dược; hành lang cho Cao Nguyên, cửa ngõ tiến quân vào Sài Gòn. Vì vậy trong suốt hai thời kỳ kháng chiến, Tánh Linh là nơi đấu trường giành giật quyết liệt giữa ta và địch. Thời Pháp xâm lược chúng lập một đồn ở Quận lỵ, các đồn bốt ở ga xe lửa, hình thành bộ máy từ ấp, xã và các đồn điền. Mỹ xây dựng hệ thống quân sự quy mô lớn hơn cả về lực lượng và vũ khí. Ngô Đình Diệm cho xây dựng khu Dinh điền Bắc Ruộng, là khu dinh điền "kiểu mẫu".

     Sau 40 năm giải phóng quê hương (1974-2014), người dân Tánh Linh luôn luôn hoài niện về một chiến thắng vẻ vang của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân huyện nhà.

     1. Tánh Linh cùng cả nước khởi nghĩa giành chính quyền: Cùng với cả nước, ngay từ những ngày đầu khi thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Tánh Linh đã có nhiều cuộc nổi dậy, khởi nghĩa chống lại sự xâm lược của chúng ở vùng đất Tánh Linh. Đầu tiên là cuộc khởi nghĩa của cụ Phù Tỏa, một lãnh tụ nghĩa quân lãnh đạo nhân dân các dân tộc nổi dậy chống Pháp và bọn đương quyền tay sai vào những năm 1890. Đặc biệt từ năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Tánh Linh nổi dậy chống Pháp với nhiều kế sách "bất hợp tác triệt để với giặc Pháp"; "tuyên thuệ kháng chiến"; "vườn không nhà trống"... Đỉnh điểm của phong trào là cuộc nổi dậy cướp chính quyền thành công vào ngày 26 tháng 8 năm 1945, hoà cùng với phong trào Cách mạng sục sôi của cả nước, Cách mạng tháng 8 thành công, lập nên chính quyền Cách mạng đầu tiên tại vùng Tánh Linh.

     2. Tham gia kháng chiến chống Pháp thành công: Trước khi cờ đỏ sao vàng tung bay trên nắp hầm Đờ -Cát-Tơ-Ri ở Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954, thì ngày 6 tháng 5 năm 1954 nhân dân Tánh Linh đã nhất tề vùng dậy với giáo mác, cung tên, súng trường... tiêu diệt Chi khu quận lỵ Tánh Linh, cùng hệ thống các đồn, đập tan hệ thống cai trị suốt gần một thập kỷ đô hộ của thực dân Pháp và bọn bè lũ tay sai.

     3. Củng cả nước “Đánh cho Mỹ cút”: Pháp thất bại, Mỹ thay chân Pháp, phế Bảo Đại, đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống sau cái được gọi là "trưng cầu dân ý", thành lập quốc gia mang tên Việt Nam Cộng hòa. Chúng xây dựng Chính quyền, Quân đội, Đảng phái, các đoàn thể...từ thôn, ấp, đến Trung ương để đàn áp Cách mạng, biến Miền Nam nước ta thành thuộc địa của Mỹ.

     Đầu năm 1957, địch mở chiến dịch "thương du vận" đánh phá các vùng miền núi Tánh Linh. Đến năm 1959, chúng đã dồn hàng vạn nhân dân từ các Tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định vào lập thành 06 khu Dinh Điền ở Hoài Đức và 06 khu Dinh Điền ở Tánh Linh. Mỗi khu Dinh Điền, chúng đều thành lập một bộ máy quản lý về hành chính, quân sự, an ninh, kinh tế.

     Nhân dân Tánh Linh tuy bị gom vào khu tập trung và bị đàn áp dã man nhưng đã anh dũng vùng lên liên tục đốt phá các khu tập trung, biểu tình chống khủng bố, chống đàn áp, phá tề, diệt ác trừ gian. Các khu Dinh điền, các ấp chiến lược dần dần biến thành làng kháng chiến, trở thành chổ dựa vững chắc cho Cách Mạng chiến đấu và chiến thắng. Quân và dân Tánh Linh đã lập nhiều chiến công lớn, đánh thắng nhiều trận như: Trận phục kích giao thông diệt C2 D1 Liên đoàn biệt động Ngụy quyền vào tháng 7/1963; Trận tập kích tiêu diệt đội biệt động quân tháng 11/1963; Trận phục kích diệt Mỹ và chư hầu tại Suối Chùa tháng 3/1967; Trận tập kích bắn rơi 1 trực thăng và bắn chết tên UYLIAPON thiếu tướng lữ đoàn trưởng 199 của Mỹ; Trận phục kích bắt tên Lê Văn Dũng thiếu tá CIA ......góp phần cùng với cả nước buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về Việt Nam (27/01/1973), chấm dứt những hành động quân sự, rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi Miền Nam Việt Nam. Tánh Linh đã cùng với cả nước thực hiện được di chúc của Bác Hồ là "đánh cho Mỹ cút".

     4. Chiến thắng lịch sử “Hoài Đức – Tánh Linh” - “Đánh cho Ngụy nhào”: Mặc dù Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, nhưng vẫn ngoan cố, chưa chịu để mất Miền Nam Việt Nam. Chúng tiếp tục thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh. Sử dụng quân Ngụy, viện trợ kinh tế, trang bị vũ khí và cố vấn Mỹ để cố gắng giữ miền Nam. Nhưng sức mạnh vật chất to lớn, vũ khí hiện đại của Mỹ vẫn không thể lung lay được truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, sức mạnh tổng hợp của nhân dân Việt Nam.

     Nếu như thời kỳ mở đầu đánh địch bằng chính trị hỗ trợ quân sự của Tỉnh Bình Thuận và Khu 6, cực nam Trung bộ xuất phát từ trận chiến thắng oanh liệt "Hoài Đức - Bắc Ruộng" năm 1960 thì đến thời kỳ kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ - Thiệu mùa khô năm 1974-1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tại khu 6, cũng mở đầu bằng tấn công thắng lợi trận Hoài Đức - Tánh Linh giải phóng hoàn toàn huyện Tánh Linh ngày 25 tháng 12 năm 1974. Đây là tiến kèn xung trận "đánh cho ngụy nhào" báo hiệu thời điểm sụp đổ hoàn toàn của chế độ Mỹ ngụy, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30 tháng 4 năm 1975.

     Tháng 8 năm 1974 Trung ương cục và bộ chỉ huy Miền Nam giao nhiệm vụ cho khu 6: Mùa khô năm 1974-1975 tập trung lực lượng quân khu và địa phương, phối hợp thêm sư đoàn 6 quân khu 7, mở chiến dịch Hoài Đức - Tánh Linh với yêu cầu: Giải phóng hai huyện Hoài Đức - Tánh Linh mở ra vùng giải phóng nối liền từ Bình Tuy lên phước Long. Tạo điều kiện tiến công giải phóng các Tỉnh Miền Đông Nam bộ, áp sát Sài Gòn.

     Đúng 2 giờ ngày 10 tháng 12 năm 1974 chiến dịch được mở màn.

      Hướng chủ yếu là Hoài Đức, ta đồng loạt nổ súng tiến công vào Chi khu Võ Đắc, núi Bảo Đại, núi Dinh và Đồi Su. Ở Chi khu Hoài Đức tiểu đoàn đặc công 20 đánh vào trung tâm diệt một số tên, giải phóng nông thôn xung quanh.

     Hướng thứ yếu là Tánh Linh: 2 giờ 35 phút ngày 10 tháng 12 đặc công 200 C nổ mìn mở màn trận đánh, tiếp theo các hỏa lực, súng cối, đại liên đánh dồn dập vào trung tâm chế áp các lô cốt, hỏa điểm. Ta làm chủ khu A bộ binh, diệt hoàn toàn C878 và tên Tòng đại uý, đại đội trưởng. Quét sạch địch ở khu B chiếm 2 pháo 105 còn nguyên vẹn.

     Cùng lúc này đồn Đồi Giang, một cao điểm lợi hại, cùng với cao điểm LỒ Ồ che chắn hai hướng Bắc - Nam cho chi khu cũng bị ta tấn công tiêu diệt. Các đồn bốt dân vệ ở các phân chi khu Huy Lễ, Xã Dú, Quan Hà cũng bị ta tiêu diệt. Đến ngày 17/12 ta hoàn toàn làm chủ xã Gia An và các ấp chiến lược trên địa bàn.

     Sau 14 ngày chiến đấu liên tục 23 giờ đêm 23/12 ta tập trung lực lượng tấn công chi khu Tánh Linh, trận đánh diễn ra ác liệt. Mờ sáng ngày 24 tháng 12 các mũi tấn công của ta đã diệt địch chiếm lĩnh chi khu, các lực lượng còn lại tấn công bên ngoài ở các ấp Quan Hà, xã Dú, Ấp Chăm, Nùng, diệt và bắt nhiều tù binh. Tên Tiểu đoàn Trưởng tiểu đoàn 335 của địch và tên Quyền quận phó nội an gọi điện kêu cứu tiểu khu Bình Tuy tiếp viện, nhưng Nguyễn Văn Sĩ Trung tá tiểu khu trưởng trả lời "vô phương kế, tuỳ cơ ứng biến". Đến 23 giờ đêm 24/12 tất cả bọn tàn quân tháo chạy về hướng đường 1, nhưng đã bị ta chặn bắt, có cả tên thiếu tá tiểu đoàn trưởng 335 và tên quyền quận phó nội an.

     Sáng ngày 25 tháng 12 năm 1974 huyện Tánh Linh hoàn toàn giải phóng không còn bóng dáng quân thù. Ta đã đưa hơn 1 vạn dân Bắc Sông bị dồn từ năm 1965-1966 vượt sông La Ngà về lại xóm làng.

     * Thành tựu và vinh danh lịch sử

    Trải qua 15 năm liên tục chiến đấu chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng, quân và dân Tánh Linh đã đánh 156 trận lớn nhỏ. Xóa bỏ 24 đồn bốt chính và cả hệ thống ấp chiến lược của địch. Tiêu diệt gần 8.000 tên địch, bắn bị thương 1.832 tên, bắt sống 663 tên. Thu 1.824 vũ khí, phương tiện chiến tranh. Bắn rơi 19 máy bay, thu và phá huỷ 45 xe quân sự, 32 máy vô tuyến, hàng trăm tấn hàng gồm đạn dược, quân trang, quân dụng. Điều đặc biệt quan trọng trong suốt 15 năm chiến đấu chịu đựng gian khổ, hy sinh, mất mát nhưng vẫn giữ được căn cứ địa làm bàn đạp cho chiến thắng giải phóng toàn cực Nam Trung bộ và Miền Nam đại thắng vào mùa xuân năm 1975.

     Với những chiến công và sự đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, thần thánh của dân tộc, quân và dân Tánh Linh được Đảng, Nhà nước tặng 01 huân chương giải phóng hạng nhì, 02 huân chương giải phóng hạng ba; 01 huân chương thành đồng hạng nhất cho quân và dân căn cứ Nam Sơn. Trên 1000 huân - huy chương kháng chiến cho cán bộ, nhân dân có thành tích trong kháng chiến. 42 bằng khen của Chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng, 25 bằng khen của UBND Tỉnh, 39 bảng vàng gia đình danh dự, 40 bảng gia đình vẻ vang, 49 huân chương quyết thắng. Trong năm 1985 lực lượng Công an huyện được tặng Huân chương Quân công hạng 3. Đến năm 1987 lực lượng vũ trang huyện và xã Nghị Đức được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì. Đặc biệt quân và dân huyện Tánh Linh và các xã Huy Khiêm, Bắc Ruộng, Nghị Đức, La Ngâu được tặng đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 18 bà mẹ được phong và truy tặng Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng.

    Truyền thống đấu tranh Tánh Linh là những giá trị văn hóa tinh thần vô cùng quý báu vô giá, nó đã làm cho Đảng bộ và nhân dân Tánh Linh lập nên các chiến thắng kỳ diệu xứng đáng và vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng cho cực Nam Trung Bộ trong đó có Tánh Linh 12 chữ vằng cao quý: “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẽ vang” và được tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam(1). Với tinh thần uốn nước nhớ nguồn, Đảng bộ và nhân dân Tánh Linh luôn ra sức bồi đắp cho truyền thống mãi xanh tươi, nẩy nở càng trân trọng, càng phát huy và mãi mãi tự hào với truyền thống cao đẹp ấy.

    Phát huy truyền thống vẻ vang ấy, thế hệ trẻ Tánh Linh hôm nay phấn đấu ra sức lao động, học tập nâng cao trình độ kiến thức, trình độ chuyên môn để xây dựng quê hương Tánh Linh vững về an ninh, mạnh về kinh tế góp phần chung vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Tất cả phấn đấu vì một mục tiêu chung: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(1) : Tánh Linh truyền thống đấu tranh cách mạng 1945-1975, xuất bản năm 2002, trang 243


Các tin khác