TIN MỚI NHẤT

TÁNH LINH: CÓ 7.769 HỘ ĐẠT DANH HIỆU SẢN XUẤT-KINH DOANH GIỎI LẦN THỨ VIII (2012-2014)

Qua kết quả bình xét, hiện nay toàn huyện có 7.769 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp trong phong trào thi đua lần thứ VII (2012-2014); đạt 96,72% số hộ đăng ký, tăng so với giai đoạn 2010 – 2012 là 1.170 hộ. Trong đó Cấp TW 33 hộ, cấp tỉnh 417 hộ,cấp huyện 1.209 hộ, cấp xã, thị trấn 6.110 hộ.

     Đạt được kết quả trên là nhờ những năm gần đây Đảng, Nhà nước ta tiếp tục có nhiều chủ trương chính sách, tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá giúp cho người nông dân từng bước nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá. Các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được cụ thể hoá và đi vào cuộc sống, từ đó có những thuận lợi cơ bản để phát triển. Việc triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo, cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát huy được các tiềm năng thế mạnh để thúc đẩy phát triển sản xuất. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư ngày càng nhiều hơn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có chuyển biến tích cực, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất đã được nông dân coi trọng; cộng với sự lao động cần cù sáng tạo, nỗ lực vươn lên của từng hộ gia đình và của người dân. Vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn được từng bước khẳng định, là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện việc xóa nhanh hộ nghèo trên địa bàn huyện.

     Đến nay, toàn huyện có trên 400 mô hình Kinh tế trang trại và một mô hình “Tổ tương trợ” giúp vốn sản xuất phát triển kinh tế rất hiệu quả được nhân rộng ở các xã, thị trấn trong huyện. Trong 2 năm qua, các tầng lớp nông dân trong huyện tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, lao động cần cù, sáng tạo; mạnh dạn tiếp thu và vận dụng những tiến bộ khoa học công nghệ; tương trợ hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình, gương điển hình đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, xoá nhanh hộ nghèo, góp phần quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi như : «Phong trào trồng cây lương thực” Việc áp dụng rộng rãi các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, phát huy năng lực các công trình thuỷ lợi và máy bơm nên sản xuất lương thực của huyện đã có những chuyển biến tích cực. Các chương trình nhân giống lúa, đã cung cấp các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương đã được đưa vào sản xuất tiết kiệm được giống, dễ kiểm soát và hạn chế được sâu bệnh trên cây lúa. Các mô hình 3 tăng 3 giảm, mô hình 02 vụ lúa + 01 vụ màu đã đem lại kết quả tốt và đang được nhân rộng. Ngoài cây lúa, cây Bắp lai tiếp tục được khẳng định là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, các loại giống Bắp lai có năng suất cao. Điển hình trồng cây lương thực như mô hình tổ liên kết 4 nhà của các xã Nghị Đức, Đức Phú, Đức Tân, Gia An, Huy Khiêm, Lạc Tánh tiếp tục được duy trì nhân rộng. Các mô hình sản xuất mới được thành lập như: Mô hình tổ hợp tác nhân giống lúa xác nhận ở các xã Nghị Đức, Huy Khiêm, Gia An với quy mô nhỏ và vừa, đã đem lại kết quả khả quan. Đặc biệt là Mô hình tổ hợp tác sản xuất giống lúa xác nhận với quy mô vừa 20 ha/13 hộ tham gia tại xã Bắc Ruộng sản xuất theo quy trình khép kín để cung cấp tại chỗ giống lúa cho nông dân, nhằm giảm chi phí đầu vào trong sản xuất cho bà con nông dân; mở rộng mô hình trồng lúa chất lượng cao xã Huy Khiêm có diện tích 76 ha/301 hộ gia đình tham gia.

     Trong “Phong trào trồng cây công nghiệp, cây ăn quả”: Đối với cây cao su hiện nay có khoảng 19.576 ha, đã cho thu hoạch trên 11.600 ha, sản lượng mủ tờ đạt 20.880 tấn, tập trung ở các xã Gia Huynh, Suối Kiết, Gia An, Đức Phú và thị trấn Lạc Tánh. Có nhiều gương điển hình có thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm như anh Lê Khắc Liêm ở xã Đức Phú, anh Hoàng Tiến Lực ở xã La Ngâu, anh Phạm Văn Tồn ở xã Suối Kiết…Đối với cây điều tổng diện tích hiện nay còn khoảng 4.040 ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân trên 60 tạ/ha. Điển hình như hộ anh Cao Sào Nam, Võ Xuân Cảnh ở Đức Phú, anh Đoàn Duy Hoà ở Bắc Ruộng mỗi năm thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng. Cây ca cao hiện nay cũng là một cây đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Trong những năm gần đây nông dân trong huyện thực hiện mô hình trồng xen cây Ca cao dưới tán điều với diện tích gần 65 ha, hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt. Đối với cây tiêu tuy dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng được phục hồi dần theo hướng chọn giống tiêu ghép, kháng bệnh tốt. Tổng diện tích trồng tiêu toàn huyện hiện nay có 275 ha, năng suất bình quân 9,5 tạ/ha; điển hình như anh Nguyễn Đắc Tẩn ở Măng Tố, anh Trần Khắc Dũng ở Đức Phú, mỗi năm thu nhập trên từ 200 đến 300 triệu đồng. Hiện nay nông dân đang áp dụng trồng thay thế giống tiêu ghép nhằm thay thế giống tiêu địa phương. Cây ăn quả diện tích toàn huyện có khoảng 660 ha có năng suất ổn định. Đã hình thành nhiều vườn cây ăn quả với diện tích từ 2-10 ha. Điển hình như mô hình tổ liên kết trồng cây ăn trái ở thôn Suối Sâu xã Suối Kiết, chuyên sản xuất cây xoài xen canh cây cam, quýt. Điển hình có các anh Kiến Văn Chuối, Trần Văn Quỳnh, Nguyễn Văn Hương ở Suối Kiết mỗi năm thu nhập trên từ 300 đến 500 triệu đồng.

     “Phong trào chăn nuôi” trong những năm qua công tác thụ tinh nhân tạo đàn bò, nạc hoá đàn heo thông qua kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, đem lại hiệu quả cao. Điển hình anh; Huỳnh Tấn Trung, anh Nguyễn Thành và anh Đỗ Hoàng Khanh ở Huy Khiêm nuôi từ 12-20 con heo nái, 50-70 con heo thịt thu nhập hàng năm khoảng 50 - 70 triệu đồng từ chăn nuôi. Mô hình nuôi Hươu sao và lấy nhung ở xã Đức Tân. Mô hình mới đang được thành lập như Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa của xã Đức Phú, mô hình nuôi Nai sinh sản và nuôi chim Trĩ ở xã Đức Tân; nuôi cá Rô đầu vuông ở xã Bắc Ruộng; cá thác lác cườm tại xã Gia An và Nghị Đức cũng đem lại kinh tế cao.

     “Phong trào phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn”: Toàn huyện có trên 400 cơ sở Tiểu thủ công nghiệp hoạt động bao gồm 25 ngành nghề với vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 4.200 lao động tại địa phương. Đối với ngành sản xuất gạch ngói đang thực hiện chủ trương của Tỉnh đã chuyển đổi từ lò gạch thủ công sang lò hoffman, tuynel. Ngoài ra các cấp Hội đã quan tâm đến việc dạy nghề, tạo việc làm cho bà con nông dân như nghề đan ghế nhựa ở các xã Đức Phú; Đức Bình cũng đem lại thu nhập đáng kể cho nông dân trong những tháng nông nhàn.     

     “Phong trào nông dân thi đua SXKDG vùng đồng bào dân tộc thiểu số”: Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Chăm ở Lạc Tánh, nghề sản xuất đũa tre ở La Ngâu, nghề chằm nón, vót đũa sóng lá buông ở Suối Kiết đã được khôi phục và đầu tư mở rộng, tạo ra việc làm tăng thu nhập cho nhân dân. Tính đến nay tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn huyện còn 18,6% / 616 hộ. Nhiều gương điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh giỏi, điển hình như: anh K’BRiệu và anh K’Gum ở Đức Phú, anh Trần Hoàng Mẽn ở La Ngâu, anh Mang Phúc ở xã Suối Kiết đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt có anh Thông Hoàng Thanh, người dân tộc Chăm ở thị trấn Lạc Tánh được Hội Nông dân tỉnh chọn là Đại biểu đại diện nông dân SXKDG, đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đi dự hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua SXKDG cấp Trung ương.

     “Kết quả phong trào sản xuất - kinh doanh giỏi, tương trợ giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo”. Trong những năm qua, với sự hỗ trợ của các ngành, Mặt trận và các đoàn thể. Bằng nhiều hình thức đã giúp những hộ nghèo có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất phát triển kinh tế thoát khỏi đói nghèo ổn định cuộc sống. Hàng năm các cấp chính quyền cùng Mặt trận và các đoàn thể khảo sát để nắm số hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân để có những kiến nghị và giải pháp phù hợp, phối hợp với các cấp các ngành, tạo điều kiện giúp đỡ cho hơn 1 ngàn hộ thoát nghèo có cuộc sống ổn định.

     Kết quả bình xét hiện nay toàn huyện có 7.769 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 96,72% số hộ đăng ký, tăng so với giai đoạn 2010 – 2012 là 1.170 hộ. Trong đó cấp TW 33 hộ, cấp tỉnh 417 hộ, cấp huyện 1.209 hộ, cấp xã, thị trấn 6.110 hộ. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã góp phần thúc đẩy đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và giải quyết các vấn đề xã hội như: Bê tông hóa giao thông nông thôn, tu sửa giao thông nội đồng, thuỷ lợi đã trở thành phong trào rộng khắp, công tác đền ơn đáp nghĩa, tương trợ giúp nhau được nông dân tích cực hưởng ứng. Từ trong phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình nông dân dám nghĩ dám làm, vượt qua khó khăn, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều hộ điển hình từ khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống gia đình và làm giàu chính đáng góp phần đưa nền kinh tế của địa phương ngày một đi lên thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu KT-XH mà huyện đề ra./.


Các tin khác