TIN MỚI NHẤT

TÁNH LINH: 40 NĂM GIẢI PHÓNG TÁNH LINH (25/12/1974-25/12/2014) NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA

Là một huyện Trung du miền núi ở cuối dãy Trường Sơn, Tánh Linh có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng của tỉnh Bình Thuận và cực Nam Trung Bộ. Đây là cái nôi của phong trào nổi dậy cướp chính quyền đầu tiên của tỉnh Bình Thuận cũng như của cực Nam Trung Bộ. Tánh Linh có vị trí là vùng lợi thế quân sự vững chắc, đầu mối liên lạc, chuyển tải vũ khí, đạn dược; hành lang cho Cao Nguyên, cửa ngõ tiến quân vào Sài Gòn. 

Trung tâm huyện Tánh Linh

     Vì vậy trong suốt hai thời kỳ kháng chiến, Tánh Linh là đấu trường giành giật quyết liệt giữa ta và địch. Thời Pháp xâm lược chúng lập một đồn ở Quận lỵ, các đồn bốt ở ga xe lửa, hình thành bộ máy từ ấp, xã và các đồn điền. Đến Mỹ xây dựng hệ thống quân sự quy mô lớn hơn cả về lực lượng và vũ khí. Ngô Đình Diệm cho xây dựng khu Dinh điền Bắc Ruộng, là khu dinh điền "kiểu mẫu". Để thực hiện mục tiêu chiếm đất, dành dân, tiêu diệt lực lượng cách mạng. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với cả nước, quân và dân Tánh Linh đoàn kết một lòng, chịu đựng gian khổ, hy sinh, chiến đấu kiên cường, vượt qua bao chặng đường chông gai ác liệt, làm nên những chiến công rạng rỡ. Đặc biệt là chiến thắng lịch sử "Hoài Đức - Tánh Linh" ngày 25 tháng 12 năm 1974 giải phóng hoàn toàn huyện Tánh Linh. Đây cũng là tiếng kèn xung trận đầu tiên trong cả nước "đánh cho ngụy nhào" mở đường và góp phần quan trọng cùng với cả nước giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất Tổ quốc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

     Với những chiến công và sự đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, thần thánh của dân tộc, quân và dân Tánh Linh được Đảng, Nhà nước tặng 01 huân chương giải phóng hạng nhì, 02 huân chương giải phóng hạng ba; 01 huân chương thành đồng hạng nhất cho quân và dân căn cứ Nam Sơn. Trên 1000 huân - huy chương kháng chiến cho cán bộ, nhân dân có thành tích trong kháng chiến; 42 bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng; 25 bằng khen của UBND Tỉnh; 39 bảng vàng gia đình danh dự; 40 bảng gia đình vẻ vang; 49 huân chương quyết thắng; 18 bà mẹ được phong và truy tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

     Năm 1985 Công an huyện được tặng huân chương Quân công hạng 3.

     Năm 1987 lực lượng vũ trang huyện và xã Nghị Đức được tặng thưởng huân chương Quân công hạng nhì.

     Ngày 20/12/1994 quân và dân huyện Tánh Linh được Phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

    Năm 1998, 199 các xã Huy Khiêm, La Ngâu, Bắc Ruộng, Nghị Đức được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

     Sau 40 năm giải phóng Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang huyện Tánh Linh đã đoàn kết một lòng ra sức phấn đấu xây dựng quê hương đạt nhiều thành tựu quan trọng. Từ một huyện miền núi kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh kinh tế hầu như không có gì. Các công sở, nhà cửa tạm bợ, thì nay đã có bước phát triển vượt bậc. Đường giao thông từng bước được nhựa hoá. Điện lưới phủ 14/14 xã, thị trấn, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế có bước phát triển trên nhiều mặt. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, bộ mặt thị trấn và trung tâm các xã, các thôn, xóm có sự thay đổi rõ nét, nhất là sau khi cùng với cả nước phát động phong trào xây dựng nông thôn mới.

     Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn được duy trì ở mức khá cao và liên tục qua các năm; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 15,85%/ năm. Tổng giá trị sản xuất các ngành (tăng so với năm 1983 khoảng 27 lần) năm 1983 đạt 59.629 tỷ đồng, năm 2013 là 1.612.700 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng dần tỷ trọng giá trị sản xuất các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Thu ngân sách từ 15 triệu đồng vào năm 1983 tăng lên 120 tỷ vào năm 2013. Trung tâm huyện và các xã được đầu tư, mở rộng, ngày càng khang trang, sạch đẹp, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, hệ thống điện, đường, trạm, trại được đầu tư, phủ kín các địa bàn dân cư; hệ thống trường lớp, đang được được đầu tư khang trang, sạch, đẹp và từng bước tầng hóa. Quy mô học sinh các cấp học đều tăng, đội ngũ giáo viên đảm bảo về số lượng, chất lượng ngày càng được chuẩn hóa. Mạng lưới trạm lưới y tế được quan tâm đầu tư theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống nước sạch, sinh hoạt đã được đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số vùng khó khăn; các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã, liên thôn được nhựa hóa và bê tông tông hóa. Các hộ dân tự nguyện đóng góp hàng tỷ đồng câu mắc đèn đường thôn, xóm đem sánh sáng văn hóa, văn minh đến tận nhà.

     Nhìn lại chặng đường sau 40 năm xây dựng và phát triển của huyện nhà trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn thử thách đan xen nhau, nhất là khi mới vừa tái lập huyện, điểm xuất phát của nền kinh tế còn thấp, quy mô nền kinh tế và các ngành sản xuất còn nhỏ bé, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi chưa được đầu tư. Song dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện qua các thời kỳ, cán bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện ra sức khắc phục khó khăn, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong từng thời kỳ. Xây dựng Tánh Linh ngày càng phát triển đi lên.

     Phấn khởi, tự hào trước những kết quả đạt được sau 40 năm giải phóng, huyện Tánh Linh phát động phong trào thi đua trong toàn Đảng bộ và nhân dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ VII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Xây dựng quê hương Tánh Linh ngày càng giàu đẹp, văn minh, ấm no, hạnh phúc./. 


Các tin khác