Vào một buổi sáng sau cơn bão số 7 vừa qua, những đám mây xám đang tan dần, gió nhẹ và trời bắt đầu hửng nắng… Chúng tôi có dịp lên xã vùng cao Đức Phú (huyện Tánh Linh). Đến gần trung tâm xã, từ xa chúng tôi đã thấy cả một vùng tụ tập đông người. Tôi thầm nghĩ, chắc có chuyện gì liên quan đến an ninh trật tự hoặc tai nạn giao thông? Một cảm giác hồi hộp, căng thẳng. Xe càng tiến lại gần, nhìn chếch sang bên trái, tôi thở phào nhẹ nhõm, khi thấy hàng trăm người đang hò reo trên sân cỏ, cổ vũ cho một trận đấu, hình như là bóng chuyền. Tôi lấy làm ngạc nhiên, vì có rất nhiều phụ nữ. Thông thường, những trận đấu bóng ở các xã miền núi, vùng cao, tôi chỉ thấy toàn cánh đàn ông tham gia.
Vì là đi tìm hiểu đời sống dân sinh, kinh tế - xã hội ở cơ sở, nên chúng tôi cũng tò mò đến xem. Quả thật, đó là một trận đấu bóng chuyền nữ. Xem ra, chị em ở xã vùng cao này cũng có tinh thần thể thao ra phết. Các chị mặc quần áo thể thao, chuyền qua chuyên lại, nêu lên đập xuống trông rất đẹp mắt, khí thế, hấp dẫn.
Tại sân cỏ, chúng tôi gặp anh Trần Hữu Trung (Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã) và anh Hồ Thanh Tuyển (Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã). Anh Tuyển cho biết: Hàng năm, xã đều tổ chức các giải thi đấu bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ, bóng đá nam, hội thao, hội khỏe… nhằm thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao quần chúng trên địa bàn, tạo khí thế thi đua và “sân chơi” lành mạnh cho nhân dân. Giải bóng chuyền nữ năm nay có 6 đội tham gia, bao gồm 5 đội của 5 thôn (mỗi thôn một đội) và 1 đội nữ của các trường học.
Theo các anh lãnh đạo xã, sở dĩ phong trào thể dục thể thao quần chúng ở địa phương ngày càng phát triển là do đời sống kinh tế - xã hội tiến bộ không ngừng. Khoảng 80% số hộ dân đều có rẫy cao su, phần lớn diện tích tuy không nhiều, nhưng có thể cho thu nhập mỗi ngày một vài trăm ngàn đồng, (có những hộ mỗi ngày thu nhập một vài triệu đồng là bình thường); cộng thêm trồng lúa và hoa màu, chăn nuôi, hoặc kinh doanh buôn bán, cũng tăng thêm thu nhập đáng kể. Những hộ không trồng cao su, thì cũng có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, v.v… Thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng một năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3%, hầu hết rơi vào các hộ không có sức lao động do ốm đau, bệnh tật kéo dài.
Thấy tôi nhìn ngắm, trầm trồ khen ngợi một ngôi nhà 2 tầng khang trang mới xây lên, hoành tráng như biệt thự của một đại gia, anh Tuyển nói: Khoảng 30% hộ dân trong xã đã xây dựng được những căn nhà như thế này, 70% còn lại đều đã xây nhà kiên cố.
Rời khu vực trung tâm xã, chúng tôi lên thôn Tà Pứa. Đây là một trong những thôn đặc biệt nhất của tỉnh Bình Thuận, bởi vì: Có địa hình cao nhất, nơi tiếp giáp “3 vùng” khí hậu (cực Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên), thuần đồng bào dân tộc thiểu số (những năm gần đây có một số hộ người kinh di cư đến), có đèo Tà Pứa ngoạn mục (hễ ai đi qua, ắt hẳn sẽ liên tưởng đến đường đèo lên Tây Bắc hoặc Tây Nguyên), có hệ thống thác nước kỳ thú bậc nhất tỉnh…
Điểm nhấn của ngành công nghiệp và dịch vụ đang hình thành ở xã vùng cao Đức Phú, đó là nhà máy chế biến mủ cao su hiện đại nhất Tánh Linh, với công suất 200 tấn mủ mỗi ngày, cho ra mủ cốm vàng ươm để xuất khẩu. Đồng thời, có 2 cơ sở gia công bàn ghế nệm để cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu, mỗi cơ sở giải quyết việc làm cho 40 lao động.
Đáng chú ý nữa là, ở một xã vùng cao mà cả 5/5 trường học đều đạt “trường tiên tiến”, trong đó có 1 trường đạt chuẩn quốc gia. Đức Phú cũng là xã đầu tiên của tỉnh Bình Thuận xây dựng thành công mô hình “Ánh sáng an ninh”, điện giăng sáng tỏ khắp các nẻo đường thôn xóm như thể “phố núi” về đêm. Mô hình này đã được các xã, thị trấn trong huyện học tập, nhân rộng. Bây giờ, Đức Phú đang nâng cấp “Ánh sáng an ninh” lên thành Ánh sáng nông thôn mới, Ánh sáng văn minh…
Đức Phú đang khởi sắc!
HỘI VĂN KHOA