TIN MỚI NHẤT

ĐỀ XUẤT LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN TIẾN TỚI “KINH TẾ TRI THỨC” Ở TỈNH BÌNH THUẬN

  • /
  • 17.7.2013 - 14:44

Ngày nay, những nước phát triển cao đã cơ bản xác lập nền kinh tế tri thức. Đó là những nền kinh tế chủ yếu dựa vào các quá trình tri thức trong hoạt động kinh tế, như: Trên 70% giá trị gia tăng là do tri thức (hay trí tuệ) mang lại; trên 70% GDP được tạo ra từ các ngành dịch vụ; trên 70% cơ cấu lao động xã hội là lao động tri thức; trên 70% cơ cấu về vốn nói chung là vốn con người. Kể từ năm 1995 trở lại đây, Ngân hàng thế giới đã đưa ra đánh giá thường niên về Chỉ số kinh tế tri thức (Knowledge Economi Index – KEI) của hơn 145 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Năm 2012, Việt Nam (khoanh màu xanh) đứng thứ 104/145 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng về Kinh tế tri thức, tăng 9 bậc so với năm 2000.

Phát triển kinh tế tri thức đang là xu hướng tất yếu trong thế kỷ XXI. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: “Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại… Phát triển khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”.

Hiện nay, các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đều có chiến lược phát triển kinh tế tri thức ở những mức độ khác nhau. Nhìn lại tỉnh ta, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (2010 – 2015), cơ cấu kinh tế Bình Thuận hiện nay là Nông nghiệp 20,5%, Công nghiệp 34,9% và Dịch vụ 44,6%; phấn đấu đến năm 2015, tỷ trọng công nghiệp chiếm 44,0 - 45,0%; dịch vụ chiếm 43,0 - 44,0% và nông nghiệp chiếm 12,0 - 13,0% GDP.

Để phát triển nhanh và đúng hướng trong lộ trình tiến tới kinh tế tri thức, chúng ta cần phải triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XII đã đề ra, trong đó có hai giải pháp quan trọng hàng đầu, đó là: Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp”, gắn với khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hoá - thể dục, thể thao; giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc.

Cụ thể hơn, xin đề xuất với các cấp, các ngành ở Bình Thuận quan tâm triển khai ngay 11 giải pháp sau đây:

1. Trên cơ sở chủ trương, chính sách chung của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về phát triển kinh tế tri thức (hiện chưa có, cần phải xây dựng theo các đề xuất trong bài viết này), từng cấp, từng ngành cần phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp nhằm đảm bảo vận hành theo lộ trình tiến tới kinh tế tri thức và xã hội tri thức.

2. Xây dựng chiến lược phát triển, phát huy vai trò của khoa học và công nghệ phù hợp với điều kiện địa phương.

3. Xây dựng chiến lược phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hệ thống các trường học, nâng cao chất lượng dạy và học, xã hội hóa giáo dục, đẩy mạnh phong trào xã hội học tập tích cực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

4. Có chính sách tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ “ vừa hồng, vừa chuyên”, đặc biệt là cán bộ chủ chốt từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; thu hút và trọng dụng nhân tài phục vụ địa phương.

5. Có chiến lược phát triển môi trường văn hóa lành mạnh, tạo nền tảng và động lực tinh thần tích cực để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

6. Mọi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cần phải nghiên cứu vận dụng các quá trình “tri thức cho phát triển” (tăng cường đầu vào và đầu ra tri thức trong sản xuất, dịch vụ; phát triển mô hình quản trị tri thức trong hệ thống chính trị và các tổ chức kinh tế nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và năng lực tổ chức các hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…).

7. Tăng cường đầu tư cho hai trụ cột chiến lược là khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo. Đồng thời, thiết lập cơ chế thúc đẩy và giám sát tiến trình đổi mới hoạt động theo hướng tri thức hóa, khoa học hóa đối với mọi tổ chức, cá nhân tham gia vào các quá trình phát triển kinh tế – xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh…

8. Triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách liên quan, nhất là Nghị quyết Trung ương 6 (Nghị quyết số 20-NQ/TW) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Luật Khoa học và công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sơ hữu trí tuệ, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, Luật Công nghệ thông tin, v.v...

9. Phát động phong trào thi đua nghiên cứu, triển khai, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào mọi lĩnh vực của đời sống, nhất là những ngành, lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế và ưu tiên phát triển; giám sát các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc đổi mới công nghệ theo quy định.

10. Tăng cường các hoạt động trao đổi, hợp tác và thu hút đầu tư quốc tế về phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, những ngành sản xuất và dịch vụ có hàm lượng tri thức cao.

11. Trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp trên, có thể và cần phải mở các hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến đông đảo nhân sỹ, trí thức trong và ngoài tỉnh để nhận diện rõ thực trạng, đề ra nhiệm vụ và giải pháp khả thi cao.

Chỉ có như vậy, Bình Thuận mới hy vọng “đi tắt đón đầu”, tạo đột phát và rút ngắn khoảng cách phát triển với các thành phố trực thuộc trung ương. Một khi có “tư duy” đúng đắn, đồng thời hành động trước một bước và có hiệu quả, thì Bình Thuận sẽ đi trên nhịp bước khẩn trương của thời đại, sớm phát triển tiến tới trình độ kinh tế tri thức, trở thành một tỉnh giàu mạnh trong tương lai không xa./.

HỘI VĂN KHOA


  • |
  • 1162
  • |

Các tin khác