TIN MỚI NHẤT

TÁNH LINH VỚI NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG MỚI VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN

  • /
  • 5.6.2013 - 17:10

Ban Thường vụ Huyện ủy Tánh Linh vừa ban hành Kết luận số 140-KL/HU ngày 5/6/2013, trong đó đã đánh giá sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng thời xác định 9 giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương có ý nghĩa quyết định đó đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương trong thời gian tới.

Sau đây, chúng tôi xin lược trích và giới thiệu những nội dung quan trọng đã được Ban Thường vụ Huyện ủy Tánh Linh kết luận:

I. ĐÁNH GIÁ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN THỜI GIAN QUA

1. Kết quả đạt được

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, sự nghiệp nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều chỉ tiêu quan trọng nêu trong Kế hoạch số 58-KH/HU ngày 14/11/2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa VI) về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã đạt được tiến độ đề ra.

Trong sản xuất nông nghiệp, đã gắn việc thực hiện Nghị quyết này với triển khai thực hiện các Nghị quyết chuyên đề về lúa chất lượng cao, phát triển nuôi trồng thủy sản... góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; bước đầu hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh một số cây trồng, vật nuôi có giá trị.

Ở khu vực nông thôn, tỷ trọng của các ngành trong cơ cấu kinh tế có sự dịch chuyển đúng hướng, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển khá, hình thành được 4 cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng được đầu tư nâng cấp, nhựa hóa tất cả các tuyến đường đến trung tâm xã, thị trấn, với hệ thống điện đường chiếu sáng ở nhiều địa bàn dân cư. Một số công trình phúc lợi xã hội được sữa chữa, nâng cấp, xây mới, từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân địa phương. Bộ mặt nông thôn huyện nhà đã có nhiều khởi sắc.

Đối với nông dân, hầu hết các hộ đều đã cơ bản ổn định đất đai và các điều kiện để sản xuất, kinh doanh, tiếp tục có những cải thiện đáng kể cả về đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần.

Nhìn chung, đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn tuy có xu hướng ngày càng thu hẹp về tỷ lệ trong đời sống xã hội, song ngày càng gia tăng về giá trị tuyệt đối, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

2. Những tồn tại, hạn chế

- Nhìn chung, về nông nghiệp, nông dân và nông thôn của huyện có điểm xuất phát thấp; tập quán canh tác lạc hậu; điều kiện kinh tế – xã hội chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

- Phát triển nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp, sức cạnh tranh chưa cao; sản phẩm làm ra chưa có thương hiệu; chưa gắn bó mật thiết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ; thất thoát sau thu hoạch còn nhiều.

- Ở khu vực nông thôn: Công nghiệp, dịch vụ phát triển chậm, quy mô nhỏ, chiếm tỷ trọng không cao trong tổng cơ cấu kinh tế; cơ cấu lao động chuyển dịch chậm; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển; môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm.

- Đa số hộ nông dân có trình độ sản xuất thấp, thiếu chủ động trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thu nhập bình quân của nông dân và các hộ ở khu vực nông thôn còn thấp, hầu hết số hộ nghèo và cận nghèo đều là nông dân. Nông dân chưa được hưởng lợi tương xứng trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, thường xảy ra tình trạng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”, khó khăn trong xử lý “đầu ra” của sản phẩm.

- Một số chỉ tiêu quan trọng đã xác định trong Kế hoạch số 58-KH/HU của Huyện ủy chưa đảm bảo tiến độ đề ra.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm quán triệt sâu sắc hơn nữa các nội dung của Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; xem đây là nhiệm vụ thường xuyên và có tầm chiến lượng hàng đầu trên địa bàn huyện.

2. Gắn việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW với các nghị quyết chuyên đề có liên quan, như: Nghị quyết số 04-NQ/HU, Nghị quyết số 05-NQ/HU, Nghị quyết số 06-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa VII) về quy hoạch và phát triển vùng lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện Tánh Linh giai đoạn 2011-2015; về phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Tánh Linh giai đoạn 2011-2015; về xây dựng chợ nông thôn và phát triển các khu thương mại - dịch vụ tập trung trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 - 2015... và Nghị quyết số 17-NQ/HU, ngày 10/4/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến năm 2020.

3. Xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu:

- Trọng tâm trong phát triển nông thôn là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với phát triển dịch vụ, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề hỗ trợ; xây dựng nông thôn mới.

- Trọng tâm trong phát triển nông nghiệp là chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng của sản phẩm; phát triển nông nghiệp bền vững.

- Trọng tâm trong xây dựng giai cấp nông dân là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập, cải thiện mạnh mẽ đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân.

4. Phát động phong trào thi đua ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh các ngành nghề nông nghiệp và khu vực nông thôn, nhất là trong đối tượng nông dân, nhằm tạo ra giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.

5. Đẩy mạnh công tác giáo dục và đào tạo nghề cho sản xuất nông nghiệp, nông dân và nông thôn, xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng để thoát nghèo nhanh, phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới.

6. Tiếp tục đề xuất, kiến nghị tăng các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là các nguồn vốn của Trung ương, các chương trình mục tiêu và vốn ngân sách tỉnh, nhằm hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách huyện và nguồn lực của nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là thủy lợi, giao thông, chuyển giao khoa học và công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

7. Các cấp, các ngành trong huyện thường xuyên quan tâm hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp về đầu tư tại địa phương, nhất là những ngành nghề hỗ trợ trực tiếp cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; hình thành cơ chế “liên kết bốn nhà” hiệu quả đối với các loại cây trồng và vật nuôi chủ lực, gắn với công tác quy hoạch sử dụng đất phù hợp.

8. Rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Kế hoạch số 58-KH/HU, gắn với các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để bổ sung các giải pháp mới, phấn đấu hoàn thành sớm hơn thời hạn đã xác định trong kế hoạch đề ra.

9. Tiếp tục quan tâm củng cố và xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách ở địa phương./.

 

Hội Văn Khoa


  • |
  • 806
  • |

Các tin khác