TIN MỚI NHẤT

Giáo dục Tánh Linh: Một góc nhìn trên chặng đường phát triển

  • /
  • 22.1.2013 - 13:31

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây – Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo luôn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đúng mức và coi đó “là quốc sách hàng đầu”, với quan điểm "đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, đầu tư có lợi nhất...". Cùng với sự phát triển chung của cả tỉnh, Tánh Linh là một trong những huyện đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển giáo dục - đào tạo ở địa phương, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của huyện nhà.

Hiện nay nền giáo dục của huyện đã phát triển rộng khắp 14/14 xã, thị trấn. Trong công tác giáo dục - đào tạo đã có nhiều cải tiến như: công tác chỉ đạo, quản lý các hoạt động dạy học; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, chất lượng giáo dục toàn diện có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ tốt nghiệp các cấp học đạt ở mức cao. Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS tiếp tục được cũng cố vững chắc, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục trung học được đẩy mạnh. 
 
Toàn huyện hiện có 24.900 học sinh từ Mầm non cho tới Trung học phổ thông. Giáo dục Mầm non đã thu hút hơn 98% trẻ 05 tuổi đến trường, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi đạt 99,78%. Tỷ lệ học sinh đi học so với số dân từng năm đều tăng, so sánh số liệu của năm 1996 với năm 2010 có sự khác biệt rõ rệt: Năm 1996 đến năm 2010 bậc Mầm non tăng từ 35,7% lên 71,4%, bậc Tiểu học tăng từ 93,1% lên 100%, bậc Trung học cơ sở tăng từ 63,1% lên 88,7%, bậc Trung học phổ thông tăng 12,3% lên 48,5%. Cơ sở vật chất cũng từng bước được mở rộng: năm 1996 có 09 trường Mầm non, 17 trường Tiểu học, 08 trường THCS, 01 trường THPT; năm 2010 tăng lên 17 trường Mầm non, 30 trường Tiểu học, 18 trường THCS và 02 trường THPT. 
 
Chất lượng hai mặt giáo dục của học sinh cũng từng bước được nâng lên: năm 1996 tỷ lệ học sinh Tiểu học đạt học lực trung bình trở lên 82,1% năm 2010 đạt 97,2%; bậc THCS năm 1996 đạt học lực trung bình trở lên 70,1% năm 2010 đạt 86,0%. Công tác quản lý giáo dục có bước chuyển biến tích cực theo hướng chuyển hóa. Áp dụng các phương pháp dạy học mới, ứng dụng công nghệ thông tin và các phần mềm mới vào dạy học. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh về số lượng và chất lượng ngày một nâng cao. Tính đến nay, huyện Tánh Linh có 1.945 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục từ bậc mầm non đến trung học cơ sở, hầu hết các giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Trải qua những bước thăng trầm, nền giáo dục của huyện nhà đã gặt hái được một số thành qủa góp phần to lớn vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước. 
 
 Bên cạnh những thành tích đạt được giáo dục - đào tạo vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và truyền thống hiếu học của quê hương, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được ưu cầu phát triển kinh tế - xã hội, kiến thức và kỹ năng của học sinh so với yêu cầu của từng cấp, lớp ở vùng sâu, miền núi còn nhiều bất cập, thiếu vững chắc. Việc đổi mới phương pháp giáo dục còn nhiều khó khăn về các điều kiện thực hiện và kỹ năng thực hành. Công tác quản lý giáo dục còn nhiều bất cập. Công tác quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục còn manh mún. Ngân sách cho giáo dục chưa đủ đáp ứng nhu cầu, trang thiết bị dạy học còn thiếu.
 
Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, nhanh chóng khắc phục những khó khăn, hạn chế trong giáo dục - đào tạo thời gian qua huyện Tánh Linh đã tạo bước phát triển đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã đề ra mục tiêu và những giải pháp chủ yếu để phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo huyện nhà giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo.
 
Ngành giáo dục đã có nhiều biện pháp tích cực để tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh. Môi trường giáo dục ngày càng được cải thiện. Thông qua thực hiện xã hội hóa giáo dục, các lực lượng xã hội đã tham gia ngày càng tích cực vào việc huy động trẻ đến trường, giám sát, đánh giá và hiến kế cho giáo dục, đóng góp tiền của xây dựng cơ sở vật chất trường học, đầu tư mở trường, đóng góp kinh phí cho giáo dục dưới nhiều hình thức khác nhau.
 
Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách xã hội quy định chung trong cả nước và của tỉnh, ngành giáo dục huyện nhà đã tích cực tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền dành các nguồn kinh phí thích hợp để hỗ trợ, động viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh người dân tộc ít người khắc phục khó khăn vươn lên trong học tập. Từ năm học 2007-2008, học sinh học nghề, sinh viên đang theo học ở các trường cao đẳng, đại học con hộ nghèo đã được vay tiền theo chế độ ưu đãi của Nhà nước để chi trả cho việc học tập. Đầu tư của Nhà nước cho việc xây dựng cơ sở vật chất trường học, mua sắm trang thiết bị dạy học... được quan tâm ưu tiên, điều kiện học tập của con em giữa các vùng, miền khá đồng đều. 
 
Giáo dục- đào tạo không chỉ có vai trò quan trọng trên lĩnh vực sản xuất vật chất mà còn là cơ sở để hình thành nền văn hoá tinh thần của chủ nghĩa xã hội. Giáo dục có tác động vô cùng to lớn trong việc truyền bá hệ tư tưởng chính trị xã hội chủ nghĩa, xây dựng ý thức pháp quyền và ý thức đạo đức, xây dựng nền văn hoá, văn học nghệ thuật, góp phần cơ bản vào việc hình thành lối sống mới, nhân cách mới của toàn xã hội. Đảng ta đã chỉ rõ: “Nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của giáo dục là nhằm xây dựng con người và thế hệ thiết tha, gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc là những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Chính vì vậy giáo dục- đào tạo có tác dụng to lớn đến toàn bộ đời sống vật chất và đời sống tinh thần của xã hội. Phát triển giáo dục - đào tạo là cơ sở để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược con người của Đảng và Nhà nước ta. Nhìn lại chặng đường phát triển giáo dục của huyện ta từ năm 1996 đến nay, chúng ta tin tưởng và hi vọng rằng nền giáo dục của huyện nhà trong tương lai sẽ có bước phát triển vượt bậc./.
 
Ngô Hải

  • |
  • 1396
  • |

Các tin khác