Thác Bà đã lưu truyền nhiều huyền thoại kỳ thú đi vào lòng người từ đời này sang đời khác. Ngày xưa, xưa lắm ở đây có hai vợ chồng và một người con chung sống trên dãy núi cao lúc nào cũng có mây dăng, cây cối rậm rạp, dây leo dăng lối, các loài hoa thơm cỏ lạ nở suốt quanh năm, thật là cảnh đẹp thần tiên.
Trên núi có một hang động, trong đó có một gia đình sống với nhau thật vui vẻ, hạnh phúc. Người chồng tóc mai bạc trắng, chòm râu ngũ bộ đung đưa trước bụng, mắt sáng như sao, tinh thần đỉnh đạt ung dung thư thái, hàng ngày du sơn, thưởng ngoạn và chữa bệnh cứu người; người con lên rừng hái thuốc, người mẹ ở nhà lo việc bếp núc gia đình. Năm này qua năm khác chẳng ai biết họ sống mấy trăm năm rồi, dân làng nơi đây, từ đời này sang đời khác ai cũng biết gia đình ông lão và quen được ông chữa bệnh.
Ngoài việc du sơn thưởng ngoạn, chữa bệnh cứu người, Người chồng có một thú vui khác là đánh cờ với một Tiên Ông. Tiên Ông này người dân ta truyền tụng rằng đó là Đế Thích người giỏi chơi cờ nhất ở trong giới thiên đình. Việc gặp gỡ chơi cờ của Ông lão và Tiên Ông cũng rất huyền bí và kỳ diệu. Tiên Ông mà thích chơi cờ thì truyền âm nhập mật gọi Ông lão lên trời đánh cờ. Ông Lão cũng vậy, Ông mà muốn đánh cờ với Tiên Ông thì đốt ném nhang, niệm thần chú lập tức Tiên Ông, dù có cỡi mây, đạp gió chu du thiên hạ, thì cũng xuống trần đánh cờ. Do vậy, lúc thì hai người đánh cờ trên tiên giới, lúc thì đánh cờ dưới hạ giới chỗ ở của ông lão ở trên đỉnh núi, họ đánh đến khi chán thì mới thôi. Ngày kia người chồng mê mãi đánh cờ với Tiên Ông ở Thiên đình. Lúc đánh cờ hai người nhập thần không biết đến thời gian, không biết bao lâu, nhưng sau khi xong ván cờ trở về thì cảnh cũ người xưa không còn nữa.
Lại nói về người vợ ở nhà năm tháng mòn mõi đợi chờ. Đợi chờ đến tóc bạc trắng như mây mà chồng vẫn chưa về. Không lâu sau đó, người vợ qua đời, tóc của người vợ xỏa trắng bên sườn núi và biến thành một dòng thác quanh năm nước chảy róc rách, trong lành. Dòng thác này có tên là Thác Bà từ ngày đó.
Người con năm xưa cũng đã trở thành ông cụ, thương nhớ mẹ hiền, thiếu vắng người cha, ông ngày đêm gõ mõ, tụng kinh niệm phật và xuất sơn đi chữa bệnh cứu người. Không biết thời gian bao lâu ông cũng qua đời. Tưởng nhớ công lao của người con, nhân dân trong vùng xây dựng một Cái Om để thờ cúng, gọi là Dinh Cậu. Dinh Cậu được xây cất ở sườn phía đông núi Ông, bên cạnh một con đường nhỏ lên núi. Không biết từ bao giờ có phong tục khi đi ngang qua đây, mọi người đều cúi lượm một hòn đá đặt vào mộ Cậu để tỏ lòng biết ơn, ngày qua ngày mộ đá cứ như vậy lớn dần lên. Ngày nay tuy Dinh cậu không còn nguyên vẹn, nhưng nơi đây vẫn còn Mộ đá của Cậu. Và người dân có việc đi ngang qua vẫn giữ truyền thống cũ, mỗi người lượm một hòn đá đặt lên mộ Cậu.
Sau khi đánh xong ván cờ trở về cảnh cũ người xưa không còn nữa. Hỏi thăm người cao niên nhất trong làng được ông cho biết: ông được ông nội kể lại cách đây trăm năm ở đây có gia đình như thế, nhưng người chồng đi đánh cờ với Đế Thiên Đế Thích rồi không thấy trở về nữa. Thương nhớ người vợ hiền chung thuỷ, người con hiếu thảo, đức độ, nên người chồng hoá thành một dãy núi hùng vĩ, trùng điệp ôm ấp Thác Bà và Dinh Cậu trong lòng. Dãy núi đó người ta gọi là Núi Ông. Đền thờ của Ông được người dân xây cất trên đỉnh núi có độ cao hơn nghìn mét.
Về với tiên giới, nhưng gia đình Ông, Bà, Cậu vẫn không quên những người con, cháu của mình dưới trần gian. Hàng năm vào ngày trăng tròn trời trong xanh, gió mát từ trên núi Ông văng vẳng tiếng hát, tiếng hò thảnh thót, tiếng cồng chiêng rộn rả, tiếng chày giã thậm thình thâu đêm, tiếng nói cười rộn rả sảng khoái làm cho người nghe liên tưởng đây là lể hội của thần tiên. Từ đời này, sang đời khác các cụ cao niên vẫn thường kể cho con cháu nghe điều thú vị này và khẳng định rằng không khí rộn ràng tưng bừng ngày lể hội này người dân Tánh Linh bấy giờ ai cũng nghe, cũng tôn kính và ngưỡng mộ. Những năm ấy mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, người dân ấm no, hạnh phúc. Người ta truyền tụng rằng đó là lễ hội của thần tiên do Ông, Bà và Cậu tổ chức để lo cho dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Núi Ông hùng vĩ, Thác Bà thơ mộng hữu tình, Dinh Cậu linh thiên mà hiền hoà che chở cho dân làng. Nơi hội tụ của chim muôn, thú quý ngày ngày cất lên giai điệu qua tiếng thác reo rì rào, tiếng nước chảy róch rách và rộn rã tiếng chim kêu, thoang thoảng mùi hương quyến rũ của trăm hoa đua nở. Tất cả hoà quyện vào nhau thành bản giao hưởng tình ca tuyệt vời. Dưới dòng thác lớp lớp những tảng đá to thấp nhô, tròn trịa được bào mòn qua năm tháng. Nhiều tảng đá to cao dựng đứng xếp lớp thành những hang động, thành những hồ nước nhỏ, những thạch bàn lý tưởng, bao quanh những dãy rừng già, những cây cổ thụ tạo nên khung cảnh hùng vĩ nhưng rất thơ mộng, trữ tình.
Thác Bà huyền bí thần kỳ, Thác nối tiếp những dòng thác, dù mưa hay nắng, dù thời tiết có khắc nghiệt đến bao nhiêu thác vẫn chảy, vẫn róch rách, rì rào như bản tình ca chung thủy trong lòng người. Từ bao đời nay, khi xuân về, Tết đến người dân Tánh Linh dẫn nhau lên núi Ông ngắm cảnh non xanh, nước biết, sơn thuỷ hữu tình và tắm thoả thích dưới dòng thác trong xanh, mát lạnh. Ngâm mình dưới dòng thác thấy tâm hồn thoải mái, khoẻ khoắn như trút được bao nỗi ưu tư, phiền muộn. Nhiều cặp nam thanh, nữ tú nên duyên nghĩa chồng vợ khi du xuân Thác Bà.