Mùa mưa khả năng chính thức vào đầu tháng 5 và sẽ kéo dài đến cuối tháng 11. Bước vào sản xuất vụ Hè Thu năm nay trong điều kiện hồ Hàm Thuận – Đa Mi còn khả năng cung cấp nước cho một số khu vực nằm trong vùng tưới của các trạm bơm điện sẽ tổ chức sản xuất vụ hè thu sớm vào tháng 4, các diện tích còn lại phụ thuộc vào nguồn nước trời sẽ tiến hành xuống giống vào khoảng tháng 5, 6 khi nguồn nước đảm bảo. Sản xuất vụ Hè Thu năm nay sẽ phải đối mặt với các yếu tố rủi ro về thời tiết, ốc bươu vàng gây hại ở đầu vụ, nguy cơ rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá vẫn luôn là mối đe dọa trong sản xuất. Mặt khác, một số tập quán của nông dân như sử dụng lúa thịt để làm giống, gieo sạ vùi với mật độ gieo sạ dày, bón phân mất cân đối vẫn là nguy cơ bị mất lúa giống, sâu bệnh phát sinh ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả của cây trồng.
Một số nhiệm vụ chỉ đạo vụ này là:
Căn cứ Quyết định số 01/2011/QĐ-UBND ngày 14 tháng 01 năm 2011 của UBND huyện Tánh Linh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2011, trong đó tổng sản lượng lương thực cây có hạt 153.000 tấn (thóc 116.000 tấn, màu 37.000 tấn); trồng mới: 500 ha Cao su.
Tổng diện tích cây hàng năm là 10.483 ha, trong đó: cây lúa 7.500 ha, bắp 1.710 ha, đậu các loại 380 ha, rau các loại 653, đậu phụng 240 ha, cây mỳ : 3.000 ha. Tổng sản lượng cây có hạt: 60.923 tấn, trong đó: lúa 47.240 tấn, bắp 13.683 tấn.
Phải nắm chắc tình hình diễn biến thời tiết, nguồn nước tại các xã, thị trấn và các công trình thủy lợi để có kế hoạch xuống giống lúa Hè Thu 2011 với phương châm đảm bảo cách ly ít nhất là 3 tuần, gieo trồng tập trung, né rầy theo lịch khuyến cáo từng đợt của Trạm Bảo vệ thực vật, kiên quyết không để trên một cánh đồng xuất hiện nhiều trà lúa khác nhau. Tăng cường việc làm ải, phơi đất, vệ sinh đồng ruộng; hướng dẫn nông dân chuẩn bị các điều kiện về vật tư nông nghiệp để xuống giống khi có đủ nguồn nước và theo lịch né rầy.
Riêng đối với các diện tích lúa Hè Thu sớm cần chú ý quản lý và phòng trừ sâu bệnh trong quá trình sản xuất, khuyến cáo nông dân thường xuyên đi thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh và chủ động phòng trừ theo hướng dẫn của Trạm Bảo vệ thực vật; sau khi thu hoạch xong UBND các xã trên phải có phương án bố trí sản xuất phù hợp, tránh tình trạng gieo sạ liên tục làm tăng nguy phát sinh tình hình sâu bệnh gây hại, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.
Sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân 2010 - 2011 cần tiến hành cày ải, thực hiện phơi đất trước khi xuống giống lại để tiêu diệt mầm bệnh, tạo độ xốp cho đất, phải thực hiện khâu làm đất đồng bộ để xuống giống tập trung.
Đối với sản xuất lúa, phải thực hiện phương châm “đồng loạt, tập trung, né rầy” khi bố trí xuống giống cho từng vùng, từng cánh đồng. Các địa phương cần lưu ý hạn giữa vụ Hè Thu để có biện pháp chủ động, hạn chế thiệt hại và tập trung chỉ đạo các biện pháp kỹ thuật sau:
- Đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa ít nhất là 3 tuần lễ, khuyến cáo nông dân áp dụng biện pháp cày ải phơi đất nhằm tiêu diệt mầm móng sâu bệnh còn tồn lưu trong đất.
- Khuyến cáo nông dân sử dụng cấp giống xác nhận; giống kháng rầy để gieo trồng, gieo sạ tập trung theo lịch né rầy theo khuyến cáo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện.
- Đẩy mạnh việc ứng dụng phương pháp sạ hàng với lượng giống gieo từ 120 - 140 kg/ha, nếu sạ lan (gieo thẳng) thì không vượt quá 150 kg/ha.
Khung thời vụ chung vụ Hè Thu năm 2011 trên địa bàn huyện bắt đầu xuống giống từ 01/4/2011 đến ngày 30/6/2011 là kết thúc. Tuy nhiên, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, nguồn nước tưới của các vùng đất, lượng nước tích các ao hồ, khả năng bơm tưới để bố trí gieo trồng đồng loạt, né rầy theo khuyến cáo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, cụ thể :
- Đối với các chân ruộng có công trình thủy lợi đi qua, chủ động được nguồn nước tưới thì tiến hành ngay việc ký kết hợp đồng bơm tưới để xuống giống vụ Hè Thu sớm từ 01/4 đến ngày 30/4/2011 để né lũ, nhưng phải tuân thủ theo từng đợt né rầy theo khuyến cáo của Trạm Bảo vệ thực vật và đảm bảo thời gian cách ly tối thiểu. Thường xuyên bám sát đồng ruộng, kiểm tra thường xuyên, theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh, nhất là rầy nâu không để ảnh hưởng đến các trà lúa Hè Thu chính vụ 2011.
- Đối với các vùng khác (sản xuất vụ Hè Thu chính vụ): Tùy tình hình diễn biến của thời tiết và dựa vào thời gian khuyến cáo gieo sạ né rầy của Trạm Bảo vệ thực vật, UBND các xã, thị trấn có kế hoạch bố trí sản xuất cho từng vùng phù hợp với địa phương mình và kết thúc gieo sạ vụ Hè Thu đến ngày 30/6/2010.
- Các cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây lâu năm xuống giống vào đầu mùa mưa khi đất đủ ẩm.
- Thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh; có phương án đối phó kịp thời để xử lý khi có bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá xảy ra, không để phát sinh trên diện rộng.
- Khuyến cáo nông dân áp dụng chương trình 3 tăng 3 giảm, bón phân cân đối, để tăng năng suất và hiệu quả trong sản xuất lúa vụ Hè thu.
- Tập trung mọi lực lượng tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và bệnh lở mồm long móng, bệnh tai xanh không được chủ quan lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh.
- Tiến hành tổ chức tiêm phòng định kỳ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn gia súc, gia cầm như : cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn … theo Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN ngày 13 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Chỉ đạo triển khai việc tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho đàn gia súc theo số lượng vắc xin 3.000 liều vừa được Trung ương hỗ trợ trong tháng 4/2011.
- Đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đến từng hộ chăn nuôi, thôn, xóm về bệnh cúm gia cầm, bệnh tai xanh để nhân dân biết nhằm có các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu qủa, quyết tâm không để dịch cúm gia cầm và bệnh tai xanh ở heo xảy ra./.
V.M.