Riêng dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 55 nối dài, đoạn qua địa bàn huyện dài 44 km (qua các xã La Ngâu, Đồng Kho, Đức Bình, Đức Thuận và thị trấn Lạc Tánh) phải thu hồi 47,6672 ha đất của 888 hộ dân, với tổng kinh phí đền bù hỗ trợ gần 22 tỷ đồng. Đến đầu tháng 9/2013, hầu hết các hộ dân đã thống nhất việc giải tỏa, đền bù, hỗ trợ và thu hồi đất theo quy định, chỉ còn hộ ông Thông Hồng và hộ ông Thông Minh Đèn (trên địa bàn thị trấn Lạc Tánh) vẫn chưa đồng thuận, với tổng diện tích đất 1,07631 ha, giá trị đền bù hỗ trợ là 700,574 triệu đồng. Thời hạn thu hồi đất và giao đất để thi công Quốc lộ 55 không thể chậm trễ hơn được nữa, thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, UBND huyện đã ban hành các Quyết định cưỡng chế thu hồi đất để giải phóng mặt bằng, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo tổ chức cưỡng chế do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Ban. Theo đó, sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 2 hộ dân nêu trên vào ngày 23 – 24/9/2013.
Trước khi tiến hành cưỡng chế, chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy là phải tập trung làm tốt công tác dân vận, coi đây là thử thách đầu tiên của công tác dân vận trong tình hình mới, ngay sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ huyện vừa ban hành Chương trình hành động số 33-NQ/HU ngày 28/8/2013 để triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
Ngày 13/9/2013, Ban Thường vụ Huyện ủy có Công văn số 1208-CV/HU về việc tăng cường công tác vận động xử lý tình huống trước khi cưỡng chế. Đồng thời, cử đồng chí Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy làm Tổ trưởng Tổ Tuyên truyền do UBND huyện thành lập. Nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân vận trước khi tiến hành cưỡng chế là phải tập trung làm tốt “công tác gặp gỡ, tuyên truyền, vận động, thuyết phục”, đồng thời phải quan tâm lắng nghe “nắm bắt, chia sẻ, đả thông tư tưởng” đối với các hộ dân nói trên.
Quán triệt sâu sắc quan điểm vận động quần chúng của Đảng, đồng thời nắm vững chính sách pháp luật của Nhà nước và thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của các hộ dân liên quan, Ban chỉ đạo tổ chức cưỡng chế và Tổ Tuyên truyền của huyện đã thống nhất cùng hệ thống chính trị của thị trấn Lạc Tánh thực hiện nhiệm vụ vận động quần chúng trước cưỡng chế thu hồi đất do Ban Thường vụ Huyện ủy giao phó. Vai trò của khối Dân vận từ huyện cho đến thị trấn Lạc Tánh và khu phố Chăm (nơi 2 hộ dân sinh sống) được phát huy cao độ, vận động và thuyết phục tất cả các thành viên trong gia đình cùng những người thân khác có liên quan. Đặc biệt là sử dụng “lực lượng của quần chúng” để “đả thông tư tưởng cho quần chúng”, tức là vận động những người thân đã đồng thuận để thuyết phục các thành viên còn lại. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp liên quan hỗ trợ thêm tiền trồng cây. Riêng hoàn cảnh gia đình hộ ông Thông Minh Đèn còn nhiều khó khăn, nhà ở tạm bợ, được hỗ trợ thêm tiền xây dựng nhà mới.
Song song với công tác dân vận, sáng ngày 17/9/2013, Ban chỉ đạo tổ chức cưỡng chế và Tổ Tuyên truyền của huyện còn tổ chức họp báo, mời đại diện các báo được phổ cập rộng rãi ở Tánh Linh (Nhân Dân, Thanh niên, Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Thuận) nhằm chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, thể hiện việc làm của hệ thống chính trị huyện là công khai minh bạch, đảm bảo quyền lợi của nhân dân, theo đúng quy định của pháp luật, được tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân và dư luận đồng thuận.
Nhờ tiến hành đồng bộ các giải pháp, đến 17 giờ ngày 17/9/2013, tất cả các thành viên của 2 hộ dân nêu trên đã đồng thuận phương án đền bù hỗ trợ để không phải bị cưỡng chế thu hồi đất, nhận đủ số tiền (cùng lãi suất đã gửi ngân hàng từ tháng 1/3013 đến nay).
Qua vụ việc này cho thấy, vai trò của công tác dân vận đã được các tổ chức trong hệ thống chính trị hai cấp trong huyện phát huy cao độ, kể cả việc sử dụng lực lượng của quần chúng, lấy sức dân để “giải phóng” cho dân và thông qua kênh dư luận xã hội - báo chí./.
HỘI VĂN KHOA