Các lĩnh vực trên đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời bao quát tầm hoạt động, ảnh hưởng sâu rộng và mang tính quyết định trong đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, các lĩnh vực như khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông được xác định là 3 trong 4 trụ cột chính của nền kinh tế tri thức (trụ cột còn lại là Thể chế kinh tế). Cả 3 lĩnh vực trên đều thuộc phạm vi tác động của công tác khoa giáo. Điều đó cho thấy, vị trí và vai trò của công tác khoa giáo trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hướng tới nền kinh tế tri thức ở nước ta hiện nay ngày càng trở nên quan trọng và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc hơn bao giờ hết.
Đối với các địa phương cũng vậy. Trong thời gian qua, công tác khoa giáo ở cơ sở đã được nhiều cấp ủy quan tâm triển khai thực hiện tích cực và khá toàn diện, góp phần nâng cao trình độ dân trí, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình tiến bộ, tiến tới bình đẳng giới, phát triển thể dục - thể thao, nâng cao sức khỏe nhân dân, từng bước tri thức hóa các hoạt động và trí thức hóa đội ngũ cán bộ, tăng cường khối liên minh công – nông – trí ở cơ sở…, góp phần thiết thực đưa các chủ trương, chính sách trên lĩnh vực khoa giáo đi vào thực tiễn cuộc sống, đến từng địa bàn dân cư, đồng thời rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý trong tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, công tác tham mưu vẫn còn hạn chế. Một số Ban Tuyên giáo ở cơ sở tham mưu cho các cấp uỷ triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác khoa giáo còn chậm và hiệu quả chưa cao (nhất là hướng đi, cách làm, vấn đề phát huy vai trò của công tác khoa giáo, gắn công tác khoa giáo với phát triển kinh tế – xã hội còn mơ hồ, lúng túng). Vì vậy, việc tham mưu giúp các cấp uỷ xây dựng các chương trình hành động, các đề án, dự án và đề ra các giải pháp thực hiện còn chung chung, tính khả thi hạn chế và hiệu quả thấp.
Tựu trung lại, mặc dù các lĩnh vực khoa giáo đã và đang được các cấp, các ngành triển khai thực hiện tương đối tích cực và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, song nhìn chung, công tác khoa giáo ở cơ sở vẫn chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí nhận thức của không ít cấp ủy, cán bộ cơ sở về vị trí và vai trò của công tác khoa giáo còn trừu tượng, mơ hồ, chưa nắm bắt được từng lĩnh vực, từng việc cụ thể. Vì vậy, việc tăng cường công tác khoa giáo ở cơ sở đang là yêu cầu cấp thiết của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong đó đòi hỏi:
- Đối với Ban Tuyên giáo cơ sở, cần tăng cường tham mưu cho cấp ủy thường xuyên thực h iện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách phát triể n kinh tế – xã hội nói chung v à trên lĩnh vực khoa giáo nói riêng, để làm chuyển biến và nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của nhân dân ở cơ sở.
- Đối với các cấp, các ngành liên quan, cần và phải đưa nội dung, yêu cầu và phát huy vai trò động lực của công tác khoa giáo tham gia phát triển kinh tế - xã hội vào nhiệm vụ chính trị hàng năm ở địa phương, đơn vị một cách phù hợp (trong nghị quyết của tổ chức Đảng và chương trình, kế hoạch công tác của HĐND, UBND và các ban, ngành, đoàn thể).
- Tăng cường tổ chức kiểm tra việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở các địa phương, đơn vị, tổ chức trực thuộc; động viên khích lệ cán bộ khoa giáo, qua đó tạo điều kiện cho các địa phương, cơ sở học tập kinh nghiệm đồng thời nâng nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền đối với các lĩnh vực khoa giáo; tăng hiệu quả việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách trên lĩnh vực khoa giáo.
- Quan tâm củng cố, hoàn thiện bộ máy và đội ngũ cán bộ khoa giáo cơ sở cả về chuyên môn và trình độ chính trị, cũng như tạo điều kiện và phương tiện làm việc; tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác khoa giáo ở địa phương; đảm bảo cho đội ngũ này làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy.
- Bộ phận khoa giáo cơ sở phải xây dựng quy chế phối hợp với các ngành khoa giáo ở địa phương. Giao ban định kỳ và sinh hoạt chuyên đề, tổng kết, sơ kết công tác khoa giáo theo hướng thúc đẩy tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
- Đề nghị cấp có thầm quyền cần có chủ trương thành lập bộ phận hoặc tổ công tác khoa giáo (trước hết là cán bộ chuyên trách Tuyên giáo) được hưởng chế độ công chức để tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác khoa giáo ở cơ sở. Đồng thời, có hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động công tác khoa giáo ở cơ sở./.
Nguyễn Văn Quý - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tánh Linh