* Tánh Linh sau 40 năm giải phóng
Ngày 30/6/1975, khu VI quyết định sát nhập Nam Thành, Hoài Đức và Nam Thắng (Tánh Linh) thành huyện Đức Linh, dân số có trên 105.000 người (riêng Tánh Linh có trên 30.000 người). Đến đầu năm 1976, huyện Đức Linh (bao gồm cả Tánh Linh ngày nay) đã thành lập được 524 tổ vần đổi công và tổ hợp tác lao động, là nơi có phong trào làm ăn tập thể quy mô lớn đầu tiên trong tỉnh và cả Khu VI lúc bấy giờ.
Ngày 1/5/1983, Tánh Linh chính thức tách khỏi huyện Đức Linh cho đến nay. Tại thời điểm tái lập huyện, Tánh Linh có hơn 44.000 dân, phần lớn sinh sống nhờ lâm - nông nghiệp (ngành kinh tế mũi nhọn của huyện lúc bấy giờ); 100% dân số ở khu vực nông thôn, ở tại 11 xã (chưa có thị trấn).
Tánh Linh ngày nay có diện tích tự nhiên trên 1.174 km2, bao gồm 13 xã và 01 thị trấn; với 76 thôn, bản, khu phố. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng có sự chuyển biến toàn diện và sâu sắc. Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật của huyện đã được tăng cường gấp bội để phục vụ cho tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Các thiết chế và thể chế văn hóa được hình thành từ huyện đến khu phố, thôn, bản.
Năm 1993, lưới diện quốc gia được kéo về sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Năm 2010, những “công trình thế kỷ” được khởi công, như: đập Thủy lợi Tà Pao, Kênh tiếp nước Biển Lạc – Hàm Tân, Quốc lộ 55. Năm 2012, toàn huyện đồng loạt ra mắt xây dựng Nông thôn mới tại 13/13 xã, với chủ đề “Chung sức chung lòng xây dựng Nông thôn mới”. Năm 2014, Nghị Đức trở thành xã đầu tiên của tỉnh Bình Thuận đạt chuẩn nông thôn mới.
Hạ tầng giao thông chuyển từ quy mô nhỏ bé, đường đất, cấp phối, đi lại khó khăn, thành mạng lưới giao thông thông thoáng, nhựa hóa, bê tông hóa, “cứng hóa”, “ánh sáng hóa” nhiều tuyến đường liên thôn liên xóm, 100% tuyến đường liên xã liên huyện. Đặc biệt, có Quốc lộ 55 và Tỉnh lộ DT 717, DT 720 kết nối với các huyện bạn, tỉnh bạn, các trung tâm kinh tế - xã hội cấp vùng miền và quốc gia.
Hệ thống giáo dục khi mới tái lập huyện chỉ có trường Tiểu học (cấp I) và Trung học cơ sở (cấp II), nay đã hoàn thiện từ bậc Mầm non đến Trung học phổ thông (cấp III), giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp và dạy nghề, liên kết đào tạo cả bậc Đại học, Cao đẳng, Trung cấp ngay tại huyện.
Tánh Linh có hệ thống chính trị được xây dựng và trưởng thành trong đấu tranh cách mạng. Từ một chi bộ ban đầu có 03 đảng viên (năm 1946), đến nay Đảng bộ huyện đã có trên 2.000 đảng viên, sinh hoạt tại 36 tổ chức cơ sở Đảng và 192 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở. Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1994). Sau đó, các xã Nghị Đức, Bắc Ruộng, Huy Khiêm và La Ngâu cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Không thể kể hết những sự kiện, dấu ấn, bước ngoặt trên đường phát triển của huyện Tánh Linh sau 40 năm giải phóng qua một vài trang giấy. Hơn hết, quá trình đó đã in đậm trong tâm trí của những người dân Tánh Linh, gắn liền với sự thay đổi cuộc đời họ, mà mỗi người vẫn luôn giữ gìn mãi những hoài niệm khôn nguôi trong sâu thẳm trái tim mình. Trong cuốn lịch sử truyền thống “Huyện Tánh Linh 25 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 – 2000)” đã ghi lại một phần quan trọng, sau này sẽ còn tiếp tục bổ sung, lưu truyền chính sử. Mà càng về sau, những dấu ấn sự kiện xảy ra càng dồn dập, to lớn hơn, càng cho thấy sức sống dâng trào và quát trình phát triển mãnh liệt của một vùng đất – nơi con dân Tánh Linh ngày đêm học tập, lao động, sáng tạo, kiến thiết quê hương xứ sở. Con cháu 40 năm sau, 100 năm sau, ắt càng bồi đắp “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” bội phần.
* Tánh Linh hướng về 40 năm tới
Tánh Linh có điều kiện tự nhiên khá đa dạng và phong phú. Sự trù phú của vùng đất còn gắn liền với truyền thống cách mạng hào hùng, cho đến ngày nay, sử sách vẫn còn lưu truyền câu ca nổi tiếng “Cá Biển Lạc, gạo Đồng Kho / Quân dân Bình Thuận ăn no diệt thù”... Mặc dù, đi khắp Tánh Linh đâu đâu cũng thấy núi thấy rừng, nhưng ẩn hiện trong đó là những xóm làng, thị tứ, thị trấn đang ngày càng khởi sắc, với những hình thức sinh hoạt cộng đồng đa dạng của 18 dân tộc anh em đến từ hơn 40 tỉnh thành khác nhau. Họ có truyền thống sinh cơ lập nghiệp hàng trăm năm qua, mang theo kho tàng văn hóa từ khắp các vùng miền trong cả nước đến và kiến tạo nên một nền tảng văn vật, văn hiến mới; hình thành 13 xã và 01 thị trấn, với dân số khoảng 105 nghìn người, đa số đang trong tuổi lao động, thuộc cơ cấu “dân số vàng”. Đồng thời, những cửa ngõ giao thông lớn đã mở, kết nối khá thuận lợi với các trung tâm kinh tế – chính trị – thương mại dịch vụ hàng đầu của cả nước và khu vực, như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Vũng Tàu, Phan Thiết, v.v...
Tuy nhiên, Tánh Linh vẫn còn nghèo, trình độ phát triển nói chung còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; chất lượng nguồn nhân lực thấp; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là về hạ tầng phục vụ cho các định hướng phát triển mang tính đột phá trong tương lai; còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc về chuyển dịch và sử dụng đất liên quan đến đầu tư phát triển kinh tế – xã hội.
Để phát huy tối ưu các nguồn lực và khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, tại Hội nghị kỷ niệm 30 năm tái lập huyện (1/5/1983 – 1/5/20113), tổ chức vào ngày 26/4/2013, Ban Thường vụ Huyện ủy Tánh Linh đã đánh giá, kết luận, đề ra một số định hướng lớn về phát triển toàn diện ở địa phương trong thời gian tới, đó là:
* Mục tiêu
Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2015, tập trung thực hiện các chương trình trọng tâm của Huyện ủy (khóa VII) về sản xuất lúa chất lượng cao, nuôi cá nước ngọt, xây dựng chợ nông thôn và giao thông nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi, phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết bốn nhà, gắn với quy hoạch sử dụng đất có hiệu quả và rút ngắn lộ trình xây dựng nông thôn mới, cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Về trung hạn, từ nay đến 2020, tập trung chuyển dịch mạnh mẽ hơn nữa về cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đảm bảo hoàn thành giai đoạn đầu về xây dựng nông thôn mới, gắn với xây dựng thị trấn Lạc Tánh thành đô thị loại IV.
Trọng tâm là phải tạo đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh tốc độ phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ; trọng điểm là hình thành, đưa vào hoạt động có hiệu quả các cụm công nghiệp và làng nghề, xây dựng hệ thống các điểm du lịch sinh thái mang đẳng cấp chuyên nghiệp, kết nối với các “tua” du lịch trong và ngoài nước.
Về dài hạn, đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tập trung hoàn thành cơ bản mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa, xây dựng Tánh Linh trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái của tỉnh, nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế về rừng, hệ thống thác nước và hồ nước ngọt, gắn với du lịch về nguồn, du lịch tâm linh…
* Những lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn, trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân:
Thứ nhất, Trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Những lĩnh vực mũi nhọn, trọng điểm, ưu tiên, tạo sự phát triển mang tính đột phá trên lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là công nghiệp chế biến lương thực và thực phẩm, chế biến sản phẩm từ cây công nghiệp và tài nguyên rừng tái sinh, may mặc, cơ khí nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ phụ trợ trước – trong và sau thu hoạch (sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, phân bón và vật tư nông nghiệp, bảo quản, vận tải hàng hóa...), khai khoáng và vật liệu xây dựng (gạch, đá, cát), năng lượng (chủ yếu là thủy điện), thủ công mỹ nghệ và sản phẩm “phong thủy” từ đất – đá – gỗ, v.v...
Những lĩnh vực mũi nhọn, trọng điểm, ưu tiên, tạo sự phát triển mang tính đột phá trên lĩnh vực thương mại và dịch vụ, đó là phát triển du lịch, với các loại hình đa dạng như: du lịch sinh thái và nghĩ dưỡng, du lịch dã ngoại và về nguồn, du lịch nghiên cứu lịch sử và đa dạng sinh học, du lịch thể thao mạo hiểm và leo núi... Những “điểm đến” đáng chú ý ở Tánh Linh gồm có hệ thống thác nước kỳ thú (Thác Bà, Thác Mưa Bay, Thác Đầu Trâu, Thác Đá Bàng, Thác Trượt, Thác Mai...); hệ thống hồ nước ngọt (Biển Lạc, Tà Pao, Đa Mi); hệ thống khu căn cứ – di tích (Khu di tích lịch sử cách mạng Hoài Đức – Bắc Ruộng, căn cứ nam Sơn, cụm căn cứ di tích Núi Ông – Thác Bà, di tích lịch sử – văn hóa Đình Lạc Tánh, v.v...). Ngoài ra, những yếu tố tâm linh liên quan đến tượng Đức Mẹ Tà Pao (khu vực Bắc sông), Hưng An Tự và Phòng thuốc Nam Phước Thiện (khu vực Nam sông)... cũng góp phần tạo nên sự phong phú, hấp dẫn, thu hút du khách thập phương đến với Tánh Linh và quảng bá hình ảnh Tánh Linh với bạn bè gần xa.
Thứ hai, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi, phát triển mạng lưới giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là hướng phát triển mang tính đột phá trên lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống của trên 70% dân số Tánh Linh. Một mặt, tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả những giống cây trồng và vật nuôi hiện có. Mặt khác, tăng cường phối hợp, liên kết, nghiên cứu lai tạo, lựa chọn và ứng dụng những giống cây trồng và vật nuôi mới có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, phải thực hiện tốt mô hình “liên kết 4 nhà” để đảm bảo được cả “đầu vào” và “đầu ra” ổn định cho từng dòng sản phẩm. Trước mắt, kiên trì phát triển vùng trồng lúa chất lượng cao gắn với hình thành và quảng bá thương hiệu “Gạo Đồng Kho”; đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản nước ngọt gắn với hình thành và quảng bá thương hiệu “Cá Biển Lạc”; tiếp tục phát triển ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm; quan tâm phát triển vùng trồng rau an toàn; từng bước đầu tư kiên cố hóa giao thông nội đồng và kênh mương thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu để phát triển nông nghiệp bền vững. Đồng thời, quan tâm phát triển mạng lưới giao thông vào các khu vực sản xuất, nhất là giao thông nội đồng, giao thông tại các cụm công nghiệp – dịch vụ, v.v...
Để đạt được các mục tiêu và định hướng nêu trên, chúng ta cần phải
Một, Soát xét, bổ sung toàn bộ các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, nhất là về quy hoạch sử dụng đất. Trên cơ sở đó, bổ sung toàn bộ các quy hoạch, kế hoạch liên quan của từng xã, thị trấn, ngành, lĩnh vực trên địa bàn huyện nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo thuận lợi cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi.
Hai, Hoàn thiện kế hoạch, chương trình phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định rõ những ngành nghề mũi nhọn, ưu tiên phát triển như đã đề cập trên đây, gắn với quy hoạch khu, cụm công nghiệp và quỹ đất phù hợp. Đây là một trong những khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Ba, Hoàn thiện kế hoạch, chương trình phát triển du lịch từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó phải quy hoạch cụ thể, chi tiết từng khu vực “điểm đến”, gắn với đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền về việc chuyển dịch đất đai, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đầu tư phát triển du lịch.
Bốn, Tăng cường công tác phối kết hợp với các cấp, các ngành của trung ương và của tỉnh, cũng như với các địa phương khác trong khu vực, nhằm tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ về nguồn vốn, cải cách thủ tục hành chính, kinh nghiệm quản lý và thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh địa phương, v.v...
Năm, Tạo bước đột phá trong việc sử dụng và bố trí cán bộ chủ chốt vào những ngành, lĩnh vực, xã, thị trấn có liên quan đến quá trình đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi. Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “cán bộ nào, phong trào ấy”. Muốn có đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, thì trước hết phải có sự đột phá từ khâu nhân tố con người, trong đó công tác cán bộ phải đi trước ít nhất một vài bước.
Lịch sử phát triển hàng trăm năm qua đã tích lũy, hun đắp nên những thành tựu quan trọng để chuẩn bị sẵn sàng cho Tánh Linh “cất cánh”, hòa vào xu thế phát triển khẩn trương của đất nước trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhận thức sâu sắc về thực trạng, nhất là về những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức, gắn với việc khơi dậy và phát huy những truyền thống tốt đẹp, những tiềm năng và lợi thế, những phẩm chất quý giá và nhân tố tích cực của mỗi tập thể và cá nhân, đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp của từng người, từng nhà, từng cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị... nhất định sẽ giúp chúng ta tìm được hướng đi đúng đắn và những giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm đưa Tánh Linh phát triển đột phá trong thời gian tới./.