Cùng với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc tỉnh Bình Thuận, trải qua gần 30 năm kháng chiến trường kỳ, vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất, Đảng bộ, Chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Tánh Linh đã tổng kết và rút ra được 5 truyền thống quý báu, đó là (*):
1. Tinh thần yêu nước, bất khuất chống giặc ngoại xâm
Ngay từ khi thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, cùng với nhân dân cả nước, cụ Phù Tỏa đã lãnh đạo đồng bào các dân tộc Tánh Linh đứng lên chống xâm lược và chống cường quyền. Phong trào đấu tranh ngày càng lớn mạnh và có sự lãnh đạo, tổ chức chặt chẽ, đặc biệt kể từ khi Chi bộ Đảng đầu tiên ở Tánh Linh được thành lập gồm 3 đồng chí (năm 1946).
Trận đánh vào Chi khu Hoài Đức – Bắc Ruộng (ngày 31/12/1960) là một điển hình cho chủ nghĩa yêu nước, tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm, với phương châm “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”, ….đã góp phần giải phóng hơn 5.000 đồng bào ta khỏi vòng kìm kẹp trong khu dinh điền do Mỹ – Diệm lập ra.
Trong chiến dịch Hoài Đức – Tánh Linh (từ ngày 10/12/1974 – 25/12/1974), sau 15 ngày đêm chiến đấu anh dũng, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn Tánh Linh, đây là huyện đầu tiên của tỉnh Bình Thuận và của Khu VI (cũ) được giải phóng.
Để ghi nhận những thành tích và đóng góp quan trọng đó, năm 1994, Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Tánh Linh.
2. Đoàn kết các dân tộc, đoàn kết quân dân, tạo nên sức mạnh to lớn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”.
Lịch sử huyện Tánh Linh được ghi nhận từ cuối thế kỷ 19. Người dân bản địa trên địa bàn Tánh Linh lúc bấy giờ chỉ có vài trăm hộ đồng bào dân tộc Chăm, Raglai, K'Ho. Sống giữa đại ngàn, rừng thiêng nước độc, dịch bệnh và thú dữ luôn rình rập, v.v... cho nên đồng bào các dân tộc đã đoàn kết lại, chung sống thành từng bản, từng sóc, từng buôn, từng cụm dân cư theo tộc người để cùng hỗ trợ lẫn nhau cải tạo môi trường xung quanh và xây dựng cuộc sống. Sự cố kết cộng đồng và tình nghĩa thủy chung, gắn bó máu thịt với gia đình, dòng tộc đã trở thành lẽ sống thiêng liêng của đồng bào các dân tộc huyện Tánh Linh.
Ngày 26/8/1945, đồng bào các dân tộc huyện Tánh Linh, dưới sự lãnh đạo của những chiến sỹ cộng sản yêu nước tiêu biểu như Nguyễn Gia Tú, Lê Văn Triều, Nguyễn Giáp, Nguyễn Ngoạn và Nguyễn Thảo đã nổi dậy giành chính quyền, hạ cờ quẻ ly của thực dân, phong kiến, dựng cờ đỏ sao vàng của Cách mạng. Sau đó, đồng bào các dân tộc huyện Tánh Linh đã kề vai sát cánh đứng lên đấu tranh, giành thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân và đế quốc. Một trong những sáng kiến và đóng góp của Tánh Linh được Khu VI ghi nhận, đó là “đoàn kết làm rẫy, đánh Tây”.
Trải qua 40 năm kể từ sau ngày giải phóng Tánh Linh, đồng bào các dân tộc trong huyện đã vượt qua muôn ngàn khó khăn thử thách, khắc phục những tàn dư và hậu quả nặng nề của chiến tranh (cả về vật chất, thể chất và tinh thần), đoàn kết một lòng đồng hành cùng công cuộc đổi mới đất nước, chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới, v.v...
Tánh Linh ngày nay đã trở thành vùng đất hội tụ của 18 thành phần dân tộc đến từ hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước, với gần 105.000 người dân; tạo dựng được một khối lượng của cải vật chất và giá trị tinh thần to lớn để làm nền tảng vững chắc cho địa phương có thể phát triển đột phá trong những năm sắp tới.
Phát huy truyền thống đoàn kết quý báu đó, Đảng bộ, Chính quyền huyện Tánh Linh luôn luôn chú trọng xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc để tạo thành một sức mạnh tổng hợp, phát triển bền vững, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, vùng miền, giai tầng xã hội gắn với phát huy dân chủ trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội; đoàn kết trong từng cộng đồng dân tộc, tôn giáo, đoàn kết giữa các dân tộc và giữa các tôn giáo; đoàn trong từng khu phố, thôn, bản, giữa các cộng đồng dân cư.
3. Tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, đạp bằng gian khổ, vững vàng tiến lên, luôn trung thành với Đảng và Bác Hồ
Trong kháng chiến, Tánh Linh được xem là một địa bàn khó khăn gian khổ vào bậc nhất ở vùng cực Nam Trung bộ, xa Trung ương, thiếu sự chi viện kịp thời của các chiến trường khác. Nhiều người dân Tánh Linh khi ấy có thời gian bị giặc dồn dân lập ấp 3 – 4 năm, khi về lại xóm làng cũ đã không còn chút lương thực nào. Hàng chục người bị đói ngã gục bên hố chụp, gốc mài nhưng vẫn không hề nao núng, quyết không nghe theo sự mua chuộc, hù dọa của địch. Hàng ngàn người dân vẫn không chùn bước, bền bỉ tìm kế sinh nhai, tự lực, tự cường, vượt qua đói khổ, dịch bệnh mà vững bước một lòng đi theo cách mạng, đánh địch, giữ làng, hình thành những khu căn cứ vững chắc. “Vừa sản xuất vừa chiến đấu với hai bàn tay và ý chí cách mạng, người dân Tánh Linh khắc phục mọi khó khăn, làm nên tất cả... Vùng địch hậu cơ sở vững vàng, huyện có thể mở hội nghị cán bộ, họp làm lễ kỷ niệm có treo Quốc kỳ và ảnh Bác Hồ, sinh hoạt ngay tại nhà ông Hương Sư Bồng cách đồn địch mấy trăm mét mà vẫn an toàn ... Đến ngày tập kết, quỹ lương thực của huyện còn đến hơn 300 xe lúa dùng chưa hết”.
Trong kháng chiến, vùng căn cứ Tánh Linh không những đủ khả năng tự túc lương thực, thực phẩm và hình thành thế trận “rừng che bộ đội rừng vây quân thù” mà còn thừa để cung cấp cho các vùng căn cứ và các vùng dân cư khác trong tỉnh, với câu ca nổi tiếng: “Cá Biển Lạc, gạo Đồng Kho
Quân dân Bình Thuận ăn no, diệt thù”
Trong 40 năm sau ngày giải phóng, truyền thống ấy tiếp tục được phát huy. Mặc dù là một trong những huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhất của tỉnh nhưng Tánh Linh ngày nay không chỉ là một vựa lúa mà còn là vùng sản xuất cao su, hồ tiêu, hạt điều, gạch ngói, chế biến lúa gạo... hàng đầu ở tỉnh Bình Thuận. Tánh Linh còn là một trong những huyện đi đầu trong toàn tỉnh về phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, “ánh sáng nông thôn mới”. Về Tánh Linh hôm nay, tuy chưa phát triển như nhiều huyện bạn song có thể nhận thấy rằng, đa số các tuyến đường liên xã, liên huyện và các tuyến đường vào các khu phố, thôn, bản trong các khu dân cư đều đã và đang được thay da, đổi thịt hàng ngày bằng bê tông hóa và các trụ đèn “ánh sáng nông thôn mới”, không còn ảnh tối tăm, heo hút như ngày xưa. Hạ tầng kinh tế – kỹ thuật đã từng bước được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại và đồng bộ hơn. Hệ thống điện, đường, trường, trạm đã phát triển rộng khắp. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều được triển khai thực hiện sâu rộng gắn liền với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.
4. Kiên cường bám trụ, một tấc không đi, một ly không rời, giữ vững địa bàn, bám dân, sát địch, duy trì, phát triển phong trào
Trong kháng chiến, người dân và các cán bộ, chiến sỹ cách mạng đã bám đất, bám làng, dù địch có “dồn dân, lập ấp” cũng không thể thực hiện được âm mưu bình định, chia cắt tình quân dân máu thịt, như cá với nước. Các địa danh căn cứ địa Nam Sơn, La Ngâu, Huy Khiêm, Bắc Ruộng, Nghị Đức, Núi Ông – Thác Bà... trở thành những căn cứ cách mạng kiên cường, vững càng qua mọi trận chiến ác liệt. Càng kháng chiến, phong trào cách mạng của quân và dân Tánh Linh càng lớn mạnh, phát triển không ngừng cho đến ngày Tánh Linh được giải phóng vào năm 1974
Đồng bào Tánh Linh ngày nay không còn là một số tộc người quy tụ trong những xóm làng nhỏ bé vài chục hộ dân xưa kia mà nay đã phát triển thành những khu phố, thôn, bản rộng lớn với hàng ngàn người sum họp đông vui. Phong trào Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, v.v... đã và đang trở thành hiện thực trong cuộc sống hàng ngày.
5. Chiến đấu oanh liệt, vượt mọi hy sinh, lập nhiều thành tích xuất sắc, giành thắng lợi vẻ vang
Lịch sử huyện Tánh Linh, giai đoạn 1945 – 1975 đã ghi nhận 21 trận đánh tiêu biểu, chiến đấu oanh liệt, vượt qua mọi hy sinh, lập nhiều thành tích xuất sắc, giành thắng lợi vẻ vang; trong đó có: trận phục kích tiêu diệt đại đội địch tại Dốc Sỏi của đại đội B/LTĐ 81-82, ngày 11/4/1949; trận tập kích bí mật tiêu diệt Tiểu khu Tánh Linh của đơn vị đặc công, xung kích vào ngày 07/5/1954; trận tập kích bí mật tiêu diệt Chi khu quận lỵ Hoài Đức, dinh điền Bắc Ruộng ngày 31/7/1960; trận tập kích bí mật tiêu diệt cứ điểm Lồ Ồ của C481-486 ngày 8/02/1965; trận bắn chết Thiếu tướng Lữ đoàn trưởng 199 Mỹ của Trung đoàn 33 ngày 02/4/ 1973; trận Hoài Đức – Tánh Linh, từ ngày ngày 10/12 đến đêm 24 rạng sáng ngày 25/12/1974 đã giải phóng hoàn toàn huyện Tánh Linh, v.v...
Những trận đánh tiêu biểu ấy thể hiện sự mưu trí, dũng cảm, kiên cường, bất khuất, vượt mọi khó khăn gan khổ, hy sinh... của quân và dân Tánh Linh, giành thắng lợi vẻ vang, có ý nghĩa quan trọng trong kháng chiến chống thực dân và đế quốc đối với toàn tỉnh và cả Khu VI. Chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng có ý nghĩa lịch sử mang tầm quốc gia. Hiện nay, đã được Đảng và Nhà nước ta công nhận, cho đầu tư xây dựng thành Khu di tích lịch sử cách mạng Hoài Đức – Bắc Ruộng tại thôn 3, xã Bắc Ruộng. Đây là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia đầu tiên và duy nhất của tỉnh Bình Thuận.
Ngày 25/12/2014 là ngày kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Tánh Linh. Phát huy truyền thống tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tánh Linh nguyện sẽ tập trung phát huy nội lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khơi dậy những tiềm năng và lợi thế sẵn có về đất đai, hệ sinh thái rừng và nước ngọt, khí hậu mang đặc trưng của cả 3 vùng miền (cực Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên), vùng căn cứ địa kháng chiến của Khu VI (cũ) để phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đa dạng, phát triển du lịch sinh thái, du lịch về nguồn. Khắc phục những khó khăn, hạn chế, yếu kém, nhất là về hạ tầng kinh tế – xã hội chậm phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ ở trình độ thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn ít... để góp phần tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, thương mại và dịch vụ. Đấu tranh phòng chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chú ý quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi trong việc triển khai thực hiện chủ trương chính sách ở địa phương, tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể và thiết thực nhất để hướng về chào mừng kỷ nhiệm những ngày kỷ niệm và lịch sử trong năm 2015 và chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII sắp đến./.
Tánh Linh – Truyền thống đấu tranh cách mạng 1945 – 1975, 2002, tr.238.
Theo “Tánh Linh – Những trận đánh tiêu biểu (1945 – 1975)”, 1993.
(*) Nguồn Tài liệu tham khảo chính: “Tánh Linh – Truyền thống đấu tranh cách mạng 1945 – 1975”, 2002