I. TÁNH LINH 30 NĂM QUA
Tại thời điểm tái lập huyện, năm 1983, Tánh Linh có hơn 44.000 dân, sinh sống tại 11 xã (chưa có thị trấn). Phần lớn nhân dân sinh sống nhờ lâm - nông nghiệp (ngành kinh tế mũi nhọn của huyện lúc bấy giờ); 100% dân số ở khu vực nông thôn.
Tánh Linh ngày nay có diện tích tự nhiên trên 1.174 km2, bao gồm 14 xã, thị trấn; với 76 thôn, bản, khu phố. Trong đó, có 6 xã vùng cao, 7 xã miền núi và 1 thị trấn. Tuy vẫn là một huyện miền núi nằm ở phía Nam tỉnh Bình Thuận, nhưng có thể khẳng định rằng, bộ mặt Tánh Linh đã có bước phát triển vược bậc sau 30 năm tái lập huyện. Cơ cấu kinh tế đã chuyển mạnh sang hướng phi nông nghiệp, tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ đã chiếm trên 60%. Nhiều công trình lớn mang tầm vóc quốc gia đã và đang được xây dựng.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã có sự chuyển biến toàn diện và sâu sắc. Các thiết chế và thể chế văn hóa được hình thành từ huyện đến thôn, bản. Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật của huyện đã được tăng cường gấp bội để phục vụ cho tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Tánh Linh đã chuyển đổi từ một địa phương chủ yếu dựa vào kinh tế Lâm – Nông nghiệp, với 100% dân cư sống ở khu vực nông thôn, thành một địa phương có cơ cấu kinh tế Nông – Lâm – Ngư nghiệp, Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp – Xây dựng, và Thương mại – Dịch vụ, với trên 15% dân số sống ở đô thị. Năm 1993, lưới diện quốc gia được kéo về sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Năm 2010, khởi công công trình đập Thủy lợi Tà Pao, Kênh tiếp nước Biển Lạc – Hàm Tân, xác lập một kỳ tích trên đường phát triển của huyện đầu thế kỷ XXI. Năm 2012, toàn huyện đồng loạt ra mắt xây dựng Nông thôn mới tại 13/13 xã, với chủ đề “Chung sức chung lòng xây dựng Nông thôn mới”.
Tình trạng giao thông chuyển từ quy mô nhỏ bé, đường đất, cấp phối, đi lại khó khăn, thành mạng lưới giao thông thông thoáng, nhựa hóa, bê tông hóa, “cứng hóa” nhiều tuyến đường liên thôn liên xóm, 100% tuyến đường liên xã liên huyện, đặc biệt có Quốc lộ 55 và Tỉnh lộ DT 717, DT 720 kết nối với các huyện bạn, tỉnh bạn, các trung tâm kinh tế - xã hội cấp vùng miền và quốc gia.
Hệ thống giáo dục khi mới tái lập huyện chỉ có trường Tiểu học (cấp I) và Trung học cơ sở (cấp II), nay đã hoàn thiện từ bậc Mầm non đến Trung học phổ thông (cấp III), rồi giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp và dạy nghề, liên kết đào tạo cả bậc Đại học, Cao đẳng, Trung cấp ngay tại huyện, v.v…
Không thể kể hết những thuận lợi và khó khăn, hay những sự kiện, dấu ấn, bước ngoặt trên chặng đường phát triển của huyện Tánh Linh trong suốt 30 năm qua. Nhưng những ai đã từng gắn bó với núi rừng nơi đây, ắt có cơ sở để tự hào về vùng đất lịch sử Tánh Linh qua các chặng đường phát triển, để hôm nay đã thực trở thành quê hương của hơn chục vạn người, với 14 dân tộc anh em, đến từ 40 tỉnh thành trong cả nước.
Mặc dù vậy
Tánh Linh hôm nay vẫn ở trình độ phát triển trung bình thấp so với các địa phương khác trong tỉnh.
Tánh Linh vẫn còn nghèo và lạc hậu so với trình độ phát triển chung của đất nước và của thế giới.
Trong thời gian qua, người Tánh Linh vẫn chưa khai thác và phát huy có hiệu quả những tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương mình.
II. TÁNH LINH 30 NĂM TỚI
Tại hội nghị sơ kết phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Tánh Linh đã nêu lên một số định hướng lớn về phát triển địa phương trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh:
1. Trước mắt, từ nay đến năm 2015, tập trung thực hiện các chương trình trọng tâm của Huyện ủy (khóa VII) về sản xuất lúa chất lượng cao, nuôi cá nước ngọt, xây dựng chợ nông thôn và giao thông nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi, phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết bốn nhà, gắn với quy hoạch sử dụng đất có hiệu quả và rút ngắn lộ trình xây dựng nông thôn mới, cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
2. Về trung hạn, từ nay đến 2020, tập trung chuyển dịch mạnh mẽ hơn nữa về cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đảm bảo hoàn thành giai đoạn đầu về xây dựng nông thôn mới, gắn với xây dựng thị trấn Lạc Tánh thành đô thị loại IV.
Trọng tâm là phải tạo đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh tốc độ phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ; trọng điểm là hình thành các cụm công nghiệp và làng nghề, xây dựng hệ thống các điểm du lịch sinh thái mang đẳng cấp chuyên nghiệp, kết nối với các “tua” du lịch trong và ngoài nước.
3. Về dài hạn, đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tập trung hoàn thành cơ bản mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa trên quê hương Tánh Linh, đồng thời xây dựng Tánh Linh trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái của tỉnh (nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế về rừng, hệ thống thác nước và hồ nước ngọt, gắn với du lịch về nguồn, du lịch tâm linh…)./.
HỘI VĂN KHOA